Bí thư Nguyễn Thiện Nhân 'điểm' hàng loạt nghịch lý ở TP.HCM

28/05/2017 15:21 GMT+7

Trong buổi gặp gỡ giới trí thức diễn ra sáng 28.5, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đề cập hàng loạt những điểm mà theo ông đang là nghịch lý ở TP.HCM.

Làm thế nào để phát huy hết nguồn lực của đội ngũ tri thức, góp phần cho TP.HCM phát triển mạnh mẽ hơn nữa? Đó là trăn trở của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại buổi gặp gỡ với giới trí thức TP.HCM diễn ra sáng 28.5.
Tại buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra các "bài toán lớn" mà TP đang gặp và mong muốn các nhà trí thức, nhà khoa học góp ý để giải quyết các nghịch lý của TP, nhằm xây dựng một TP thông minh, sáng tạo.
Giải những nghịch lý 
 Theo ông Nhân, TP.HCM là một thành phố dịch vụ - công nghiệp nhưng cơ cấu sử dụng đất còn có nhiều bất hợp lý. Ông Nhân dẫn ra một thống kê: Diện tích đất nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ lệ 56,3%, trong khi đất dành cho công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ lệ 6,8%. Giá trị gia tăng đối với đất nông nghiệp là 55 triệu đồng/ha/năm, trong khi đất công nghiệp, dịch vụ là gần 51 tỉ đồng/ha/năm.
“Đất nông, lâm, ngư nghiệp chỉ đóng góp 1% GDP, trong khi ngành dịch vụ - công nghiệp lại đóng góp đến hơn 99% GDP cho TP, đây là một nghịch lý mà chúng ta cần phải tính lại”, ông Nhân nói.
Ông Nhân phân tích nếu chuyển đổi 1/3 đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp, dịch vụ thì TP.HCM có thể sẽ tạo tiền đề về đất để GDP của TP.HCM tăng thêm hàng trăm lần.
Bí thư Thành ủy TP.HCM phát biểu tại buổi gặp gỡ các đại biểu trí thức thành phố sáng 28.5 Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Một nghịch lý khác mà ông Nhân nêu ra là vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân, từ chỗ có tỷ trọng thấp nhất, trong 12 năm qua đã trở thành nguồn vốn lớn nhất trong tổng đầu tư hàng năm của TP.
Ông Nhân cho biết trong 12 năm qua, chính kinh tế tư nhân mới là nguồn đóng góp lớn cho GDP của TP chứ không phải kinh tế nhà nước. Cụ thể, kinh tế tư nhân đã đóng góp 65% GDP cho TP, kinh tế nhà nước chỉ đóng góp 20% và khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đóng góp 15%. Tỷ trọng kinh tế tư nhân cũng chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu kinh tế của TP, chiếm 58,8%, trong khi kinh tế nhà nước chỉ chiếm 16%, khu vực đầu tư nước ngoài là 24,5%.
Từ đó, ông Nhân đặt câu hỏi: “Làm sao để kinh tế tư nhân phát triển nhanh hơn nữa?”.
Bên cạnh đó, tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) trong tổng vốn đầu tư hàng năm của TP cũng thấp hơn tỷ trọng của cả nước. Cụ thể, tỷ trọng FDI của TP là 15%, trong khi của cả nước là 23,3%. Ông Nhân đặt tiếp câu hỏi: “Tại sao TP thu hút vốn FDI thấp hơn bình quân cả nước, khi mà thu hút FDI vốn là điểm mạnh của TP.HCM?”
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết sắp tới lãnh đạo TP.HCM sẽ gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài để lắng nghe, trao đổi và tìm lời giải cho nghịch lý này.
Ông Nhân cũng nêu lên hàng loạt nghịch lý khác của TP, như: Nguồn kiều hối về TP lớn nhất cả nước nhưng phát huy hiệu quả chưa cao. Năng suất lao động của TP cao gấp 3 lần cả nước, riêng trong dịch vụ, quản lý nhà nước, năng suất cũng cao hơn gấp 2 lần (Cụ thể, một công chức nhà nước tại TP.HCM phục vụ cho 700 người dân, trong khi tỷ lệ này của cả nước là 1/340 người) nhưng mức trả lương cho công chức TP.HCM lại bằng mức trung bình cả nước.
“Đây cũng là bất hợp lý về chính sách đãi ngộ, thiếu động lực làm việc tốt hơn cho cán bộ, công chức TP. TP cần phải có chính sách đặc thù để thay đổi vấn đề này”, ông Nhân nói.
4 giảm để nhắm đến 4 tăng
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ các đại biểu trí thức thành phố sáng 28.5 Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu lên bức xúc hiện nay của người dân TP.HCM là  ô nhiễm môi trường và kẹt xe.
Theo ông Nhân, một ngày TP.HCM phát thải khoảng 9.000 tấn rác thải sinh hoạt, dự kiến đến năm 2025 TP sẽ thải ra 4,7 triệu tấn rác/năm. “Đây là thách thức rất lớn, nếu tiếp tục xử lý chất thải bằng cách chôn lấp thì hậu quả sẽ ra sao? Vì vậy, TP cần phải có công nghệ xử lý rác cao để đem lại hiệu quả cao nhất”, ông Nhân nói.
Ông Nhân điểm lại số liệu: Dân số TP đã tăng liên tục gấp 3 lần trong 40 năm qua, từ 3 triệu người năm 1975 lên gần 9 triệu người hiện nay. Vì vậy, tình trạng kẹt xe là khó tránh khỏi, cần phải có chính sách giản dân, sắp xếp giao thông lại.
Trước giới trí thức TP.HCM, ông Nhân đưa ra bài toán về "phát triển TP thông minh" và mong muốn các nhà trí thức, nhà khoa học suy nghĩ, nghiên cứu để đưa ra các giải pháp, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, góp ý để xây dựng TP trở thành nơi đáng sống.
“TP.HCM phải trở thành đô thị thông minh, nơi đáng sống, nơi đáng đến. Để làm được việc này thì TP cũng phải cần có chính quyền thông minh, công dân thông minh, doanh nghiệp thông minh, dịch vụ thông minh. Từ đó, hướng đến bốn giảm là giảm ngập nước, giảm ô nhiễm, giảm kẹt xe và giảm tội phạm; phấn đấu bốn tăng là tăng thu nhập bình quân đầu người, tăng quy mô chất lượng sinh hoạt cộng đồng, tăng chất lượng tài nguyên và tăng sự hài lòng của người dân”, ông Nhân nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.