Bị 'tố' vì bán đấu giá tài sản đang thế chấp

08/11/2020 05:40 GMT+7

Bà Tống Thị Bạch Yến (ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) gửi đơn đến Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao, tố cáo hành vi ra quyết định trái pháp luật của chấp hành viên thuộc Cục Thi hành án dân sự TP.HCM quản lý.

Theo đó, bà Yến tố cáo ông Đào Văn Bằng, nguyên Chi cục phó Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) Q.Bình Tân (TP.HCM), nay là Chi cục phó Chi cục THADS Q.Thủ Đức (TP.HCM), liên quan đến việc bán đấu giá tài sản của bà Yến đang bị thế chấp.

Chưa nhận được kết quả xác minh, vẫn kê biên

Theo hồ sơ, bà Yến trình bày năm 2010, Chi cục trưởng Chi cục THADS Q.Bình Tân phân công ông Bằng tổ chức thi hành bản án của TAND TP.HCM, về việc buộc bà Yến phải trả cho ông Nguyễn Văn Công hơn 2,5 tỉ đồng.
Do bà Yến không tự nguyện THA nên ông Bằng với vai trò là chấp hành viên (CHV) xác minh điều kiện THA của bà. Kết quả xác minh cho thấy bà Yến có tài sản là thửa đất 344 và 444 tờ bản đồ số 8 tại xã An Nhơn Tây, H.Củ Chi (TP.HCM), tổng diện tích hơn 26.000 m2.
Tháng 7.2011, CHV kê biên hơn 25.000 m2 (trong tổng 26.000 m2) là quyền sử dụng đất của thửa 344, 444 trên; sau đó thẩm định giá và ký hợp đồng ủy quyền cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (TT DVBĐGTS) TP.HCM tổ chức bán đấu giá tài sản để THA. Tháng 1.2014, TT DVBĐGTS TP.HCM tổ chức bán đấu giá công khai và người mua trúng đấu giá là ông Nguyễn Hồng Đức, với giá 5,350 tỉ đồng. Ngày 1.4.2014, CHV tiến hành giao tài sản cho người mua trúng đấu giá.
Cũng tại thời điểm bàn giao tài sản này, bà Yến có đơn cứu xét cho rằng tài sản trên không còn là của bà, bởi bà đã thế chấp cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn vào năm 2008, để đảm bảo cho khoản vay hơn 15 tỉ đồng. Sau đó, cũng trong năm 2008, tài sản này được các bên thỏa thuận cấn trừ nợ do phía bà Yến không có khả năng trả nợ.
Đến lúc này, CHV có công văn đề nghị Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) H.Củ Chi cung cấp thông tin thế chấp của QSDĐ trên và được cơ quan này trả lời: “Hiện giấy chứng nhận QSDĐ trên đang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn theo hợp đồng thế chấp ngày 1.4.2008”. Đồng thời, khi biết sự việc, Ngân hàng TMCP Sài Gòn cũng có văn bản khiếu nại gửi Chi cục trưởng Chi cục THADS Q.Bình Tân.
Qua đó, tháng 6.2018, Chi cục trưởng Chi cục THADS Q.Bình Tân có quyết định giải quyết khiếu nại, thừa nhận CHV kê biên tài sản liên quan là chưa phù hợp. Bởi, ngày 21.6.2011, CHV có văn bản gửi Phòng TN-MT H.Củ Chi đề nghị hỗ trợ xác minh về nguồn gốc, tình trạng pháp lý tài sản (nội dung xác minh thiếu phần tài sản có tranh chấp hay thế chấp hay không). Tuy nhiên, khi chưa nhận được kết quả xác minh, ngày 23.6.2011, CHV đã ban hành quyết định kê biên và thực hiện kê biên vào ngày 5.7.2011, dẫn đến tài sản được đưa ra đấu giá. Với vi phạm này của CHV, đại diện Chi cục THADS Q.Bình Tân khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá.

Sai phạm của thi hành án, không liên quan bán đấu giá?

Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 9.2020, bị đơn là TT DVBĐGTS TP.HCM (trụ sở Q.Tân Bình) không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của phía Chi cục THADS Q.Bình Tân, vì cho rằng quá trình thụ lý hồ sơ và tổ chức bán đấu giá tài sản đã được thực hiện đúng quy định pháp luật.
Đồng tình, người liên quan là ông Nguyễn Hồng Đức (bên mua trúng đấu giá tài sản) cũng cho rằng tài sản bán đấu giá đã bị thế chấp trước khi mang ra bán đấu giá, nhưng không được phát hiện là sai phạm của cơ quan THA khi tiến hành xác minh tài sản, không ảnh hưởng đến trình tự thủ tục bán đấu giá. Bên nào sai phạm thì phải chịu trách nhiệm. Còn ông là người thứ 3 ngay tình trong giao dịch dân sự được pháp luật bảo vệ nên yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá của nguyên đơn là không phù hợp.
Sau khi nghe trình bày các bên và chứng cứ liên quan, HĐXX TAND Q.Tân Bình (TP.HCM) đã bác yêu cầu khởi kiện của Chi cục THADS Q.Bình Tân.
Theo HĐXX sơ thẩm, dựa vào tài liệu là các văn bản trả lời ngày 19.7.2011 của Phòng TN-MT H.Củ Chi và công văn ngày 26.8.2011 của UBND xã An Nhơn Tây (H.Củ Chi) thể hiện trước khi kê biên, CHV đã có văn bản xác minh tình trạng pháp lý của tài sản…, nên việc CHV đưa tài sản ra kê biên là đúng theo quy định pháp luật. Đồng thời, xét thủ tục đưa tài sản ra bán đấu giá không vi phạm các quy định pháp luật, nên cần giữ nguyên kết quả bán đấu giá để bảo vệ người thứ 3 ngay tình. Hiện các bên đang kháng cáo bản án sơ thẩm; đồng thời, bà Tống Thị Bạch Yến gửi đơn tố cáo CHV lên Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao.

Chấp hành viên gây thiệt hại, thi hành án bồi thường

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết khi ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá, CHV chịu trách nhiệm về pháp lý của tài sản đấu giá. Có trường hợp, CHV không thu giữ được bản chính giấy tờ sở hữu tài sản, nhưng trên cơ sở xác minh đầy đủ, rõ ràng về quyền sở hữu, theo hợp đồng, trung tâm đấu giá tổ chức bán đấu giá đối với tài sản đó. Trên cơ sở kết quả đấu giá thành, người trúng đấu giá sẽ làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận sở hữu tài sản.
Theo bà Hạnh, dù tổ chức đấu giá thực hiện việc đấu giá theo hợp đồng dịch vụ với CHV, nhưng mỗi giai đoạn pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ đối với bên liên quan. Đồng thời, nghĩa vụ cũng sẽ đi kèm với trách nhiệm nếu có vi phạm. Hơn nữa, tổ chức đấu giá không có quyền kiểm tra về trình tự, thủ tục THA của CHV. Vì vậy, CHV có trách nhiệm đảm bảo tính pháp lý tài sản đưa ra đấu giá; còn tổ chức đấu giá sẽ tổ chức đấu giá đúng quy định pháp luật về đấu giá.
Ngoài ra, theo bà Hạnh, khoản 2, 3 điều 4 Nghị định 17/2010 về bán đấu giá tài sản (đã được thay thế bằng luật Đấu giá tài sản), thì nguyên tắc, dù có vi phạm pháp luật trước khi tài sản được đưa ra bán đấu giá, nhưng trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản đó bảo đảm tuân theo quy định pháp luật, thì tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người mua được tài sản bán đấu giá. “Tổ chức, cá nhân có lỗi gây ra thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật”, bà Hạnh phân tích.
Theo luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM), khi tòa công nhận kết quả bán đấu giá, thì bên bị thiệt hại do sai phạm của CHV có 2 lựa chọn: khởi kiện yêu cầu THA bồi thường hoặc tố cáo CHV hành vi “ra quyết định trái pháp luật”, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trường hợp vi phạm của CHV chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý kỷ luật; đồng thời người thi hành công vụ trong hoạt động THA gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì cơ quan THA phải bồi thường theo luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Sau đó, cơ quan THA sẽ yêu cầu CHV bồi hoàn trở lại.
Về việc xử lý trách nhiệm của CHV đối với sự việc trên, chiều 7.11, lãnh đạo Cục THADS TP.HCM cho biết do sự việc xảy ra khá lâu nên không nhớ cụ thể. Đồng thời cho biết sẽ yêu cầu kiểm tra hồ sơ vụ việc và có trả lời chính thức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.