Dập dịch đã khó, phát triển kinh tế còn khó hơn gấp nhiều lần, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định với sự ủng hộ của nhân dân, Việt Nam cần vượt lên nhanh, rút ngắn khoảng cách, hướng tới mục tiêu trở thành một nước công nghiệp phát triển.
|
Tận dụng lợi thế
Báo cáo trước Quốc hội (QH) tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 QH khóa XIV sáng 20.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành phần lớn thời gian trình bày về các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, sau đại dịch Covid-19. Điểm lại kết quả chống dịch, Thủ tướng cho biết toàn cầu có gần 5 triệu người nhiễm và gần 330.000 người tử vong.
Tuy nhiên, Việt Nam đang vượt qua “cơn bão” này với các giải pháp “chống dịch như chống giặc”. “Thắng lợi bước đầu quan trọng này là kết quả của sự quyết tâm cao, thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn quân và sự đồng lòng, ủng hộ, chung tay của nhân dân cả nước. Điều này cũng thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc…”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên “mặt trận” kinh tế, đại dịch đã quét qua hầu hết các ngành, lĩnh vực. Nông nghiệp chỉ tăng 0,08%; sản xuất công nghiệp tăng 1,8% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp (DN) thành lập mới giảm 13,3%, dừng kinh doanh có thời hạn tăng 33,6%; số lao động bị ảnh hưởng lên tới 5 triệu người. Mặc dù giảm khá mạnh so với cùng kỳ, nhưng theo Thủ tướng, GDP quý 1/2020 vẫn đạt 3,82%, thuộc nhóm cao trên thế giới; thu ngân sách 4 tháng đạt 32,5% dự toán, xuất siêu 4 tháng gần 3 tỉ USD… Điểm sáng quan trọng là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Theo Thủ tướng, dập dịch đã khó, nhưng dập dịch mà vẫn duy trì, phát triển nền kinh tế còn khó hơn nhiều. “Tận dụng lợi thế sớm kiểm soát được dịch bệnh, uy tín và vị thế quốc tế được nâng lên, với niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn dân tộc, Việt Nam cần vượt lên nhanh, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực, thế giới, nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2045”, Thủ tướng khẳng định.
Đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm
Về giải pháp để tận dụng thời cơ, Thủ tướng cho rằng phải tìm các mô hình phát triển mới, tận dụng tốt các cơ hội thị trường và xu hướng chuyển dịch đầu tư, sản xuất trong khu vực, toàn cầu. Đồng thời, phát triển mạnh thị trường nội địa quy mô gần 100 triệu dân; từng bước hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính hệ thống và năng lực cốt lõi, có sức đề kháng mạnh mẽ, chống chịu hiệu quả trước các cú sốc từ bên ngoài.
“Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả. Chính phủ cùng các cấp, các ngành, các địa phương sẽ nỗ lực hết sức mình, tận dụng tốt các cơ hội thuận lợi, chủ động giải quyết hiệu quả hơn những khó khăn, vướng mắc”, Thủ tướng thay mặt Chính phủ cam kết trước QH.
Các bước đi cụ thể để thực hiện cam kết này, theo Thủ tướng, trước mắt Chính phủ đề xuất QH xem xét thông qua một số cơ chế đặc thù. Trong đó, cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư côngnăm 2020, chuyển đổi phương thức đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư từ ngân sách nhà nước; miễn giảm thuế, nghĩa vụ nộp ngân sách cho các đối tượng chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19…
Đánh giá giải pháp bảo vệ chủ quyền Biển ĐôngBáo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế QH chỉ ra nhiều vấn đề nổi lên về tình hình kinh tế - xã hội trong 4 tháng qua, như chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lạm phát cơ bản bình quân tăng cao, gây lo ngại về áp lực lạm phát cho các quý tiếp theo…
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ báo cáo kết quả xử lý 12 dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy; hiệu quả hoạt động của các ngân hàng mua bắt buộc; một số vụ việc liên quan đến bảo kê, băng nhóm gây bức xúc trong dư luận xã hội… Đáng lưu ý, báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, có ý kiến đề nghị đánh giá về tình hình và các giải pháp bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.
|
Chính phủ xác định phải nhanh chóng thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Song song với giải pháp kinh tế, Chính phủ tiếp tục chăm lo đời sống nhân dân. “Càng trong điều kiện khó khăn, chúng ta càng phải thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là người có công, người nghèo, người mất việc làm, người yếu thế, không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tính toán kỹ khả năng hấp thụ của nền kinh tế
Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm, do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Vũ Hồng Thanh trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp QH, đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn trong đó có kịch bản với dự báo chưa thể khống chế dịch bệnh trong năm 2020; đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016 - 2020.
“Các chính sách kinh tế, chính sách tài chính, ngân sách, tín dụng để kích thích sản xuất và khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 phải bảo đảm đúng đối tượng, liều lượng và thời điểm, tính toán kỹ khả năng hấp thụ của nền kinh tế”, ông Thanh nêu.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả, thực chất cải cách hành chính, giao dịch điện tử liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, phục hồi và phát triển DN trong nước.
5 dự án nghìn tỉ yếu kém: Bế tắc hợp đồng EPCChính phủ vừa có báo cáo về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả gửi đến QH. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc giải quyết các vướng mắc trong hợp đồng tổng thầu (EPC) gần như không có lối ra. Cụ thể, báo cáo cho hay 5 dự án, DN có tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC là: dự án xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai; dự án mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc; dự án Nhà máy đạm Ninh Bình; dự án xây dựng Nhà máy công nghiệp tàu thủy Dung Quất; và dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty CP gang thép Thái Nguyên.
Các tranh chấp, vướng mắc trong hợp đồng EPC chủ yếu tập trung vào các vấn đề: Chủ đầu tư và nhà thầu chưa thống nhất trong việc xác định giá trị quyết toán do thay đổi về thông số kỹ thuật, xuất xứ, số lượng thiết bị so với hợp đồng đã ký và khối lượng phát sinh ngoài nội dung hợp đồng đã ký; Chủ đầu tư và nhà thầu chưa thống nhất trong việc xác định thuế phải nộp và tiền phạt chậm nộp thuế của hợp đồng; Tranh chấp quyết toán chi phí chạy thử; giá trị quyết toán thực tế không phù hợp với hợp đồng EPC đã ký...
Trong báo cáo gửi đến các đại biểu QH, Chính phủ cho biết thêm tại phiên họp lần thứ 9 Ban chỉ đạo mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban chỉ đạo, đã yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty chủ động sử dụng tư vấn luật để hệ thống lại toàn bộ hợp đồng EPC đối với từng dự án; rà soát kỹ các nội dung còn tranh chấp, vướng mắc; đánh giá khả năng hòa giải, xử lý khởi kiện hoặc chấm dứt hợp đồng, để lựa chọn phương án xử lý dứt điểm tối ưu, báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN.
Chí Hiếu
|
Bình luận (0)