Hoàn tất thủ tục di dời khách sạn Bình Dương
Ngày 30.3, Sở TN-MT tỉnh Bình Định cho biết trong 3 khách sạn ven biển Quy Nhơn mà tỉnh này có chủ trương di dời để “
trả lại không gian biển cho cộng đồng” có 1 khách sạn đã hoàn thành phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, 2 khách sạn còn lại đang vướng các quy định về đất đai.
Trong đó, khách sạn Bình Dương đã được UBND tỉnh Bình Định và Bộ Quốc phòng đã thống nhất các thủ tục để di dời vào cuối năm 2020. Theo đó, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ để
di dời khách sạn Bình Dương và bố trí khu đất mới rộng trên 3.000 m
2 tại số 20 Nguyễn Văn Trỗi (TP.Quy Nhơn) để xây dựng khách sạn mới. Hiện các bên đang hoàn thiện thủ tục, khi Bộ Quốc phòng xây dựng xong công trình mới thì giải tỏa khách sạn Bình Dương.
Ngày 11.3, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét, triển khai việc bàn giao mặt bằng tại khu đất của Khách sạn Bình Dương.
3 khách sạn ven biển nằm trong diện di dời nằm ở phía đông đường An Dương Vương, một trong những khu phố sầm uất nhất ở Quy Nhơn
|
Còn 2 khách sạn Hải Âu (hết hạn thuê đất năm 2019), Hoàng Yến (sẽ hết hạn thuê đất năm 2052) bị vướng quy định pháp luật nên UBND tỉnh Bình Định đã gửi văn bản đề nghị Bộ TN-MT hướng dẫn về việc cho thuê đất.
Việc di dời khách sạn Hải Âu, Hoàng Yến vướng quy định nào ?
Theo UBND tỉnh Bình Định, để
di dời 2 khách sạn ven biển Quy Nhơn nói trên, tỉnh này đã quy hoạch quỹ đất tại vị trí mới phù hợp với quy hoạch đô thị TP.Quy Nhơn và dự kiến cho các đơn vị chủ quản 2 khách sạn này thuê đất (đất sạch) để di dời, xây dựng lại khách sạn theo hình thức cấp quyết định chủ trương đầu tư và cho thuê đất (không thông qua hình thức đấu giá).
Tuy nhiên, theo pháp luật về đất đai hiện hành và văn bản hướng dẫn liên quan của Trung ương, chưa có quy định cụ thể về việc Nhà nước cho nhà đầu tư thuê đất tại vị trí mới để xây dựng khách sạn (theo hình thức chỉ định) để tiếp tục hoạt động.
Khu vực ven biển Quy Nhơn nằm ở phía đông đường An Dương Vương được quy hoạch xây dựng công viên để phục vụ cộng đồng
|
Ngoài ra, theo quy định của Điều 92 Luật Đất đai 2013, trường hợp Nhà nước giao, cho thuê đất có thời hạn nhưng không được gia hạn theo quy định tại Điều 65 Luật Đất đai 2013 thì khi Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các khách sạn Hải Âu, Hoàng Yến được đầu tư xây dựng với quy mô lớn (trên 10 tầng, công trình xây dựng cấp 2) nên căn cứ quy định nêu trên thì sẽ không được bồi thường, hỗ trợ tài sản gắn liền với đất (đối với khách sạn hết thời hạn thuê đất), dẫn đến các chủ khách sạn sẽ gặp khó khăn trong việc di dời để trả lại mặt bằng cho tỉnh và xây dựng công trình khách sạn tại vị trí mới.
Di dời khách sạn ven biển để lấy đất xây dựng công viên
Như Thanh Niên đã thông tin, tháng 9.2019, UBND tỉnh Bình Định có thông báo di dời 3 khách sạn ven biển Quy Nhơn, gồm: Bình Dương, Hải Âu, Hoàng Yến để lấy đất ven biển xây dựng công viên, phục vụ cộng đồng.
Tháng 10.2019, UBND tỉnh Bình Định ban hành quyết định phê duyệt bổ sung, điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 không gian du lịch vịnh Quy Nhơn (được phê duyệt lần đầu vào tháng 10.2016). Theo đó, tỉnh Bình Định điều chỉnh đoạn công viên từ khách sạn Hải Âu đến khách sạn Hoàng Gia sẽ được nâng cấp chất lượng cảnh quan, quy mô khoảng 7,25 ha, công trình khách sạn Hải Âu, khách sạn Hoàng Yến phải giải tỏa, di dời chậm nhất đến hết thời hạn thuê đất của từng dự án.
Các khách sạn nằm ven biển Quy Nhơn
|
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, quy hoạch không gian biển vịnh Quy Nhơn với trục đường chính là đường An Dương Vương và Xuân Diệu không ưu tiên phát triển nhà cao tầng dọc bờ biển. Toàn bộ không gian biển của vịnh Quy Nhơn là để cho dân được hưởng lợi, không giao cho bất cứ nhà đầu tư nào, để bất kỳ ai xuống biển cũng được hết. Tuy nhiên, việc di dời, giải tỏa các khách sạn ven biển cần phải có lộ trình phù hợp, đúng quy định chứ không thể “sáng nói, chiều dời” làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn.
|
Bình luận (0)