Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết, với bờ biển dài 192 km, kết nối với các tỉnh duyên hải nam Trung bộ, vùng Tây nguyên và đặc biệt là cửa ngõ với vùng kinh tế trọng điểm phía nam và TP.HCM.
Trong những năm qua, đặc biệt là kể từ sau Hội nghị xúc tiến đầu tư 2017, Bình Thuận đã thu hút được 264 dự án với tổng vốn 53.000 tỉ đồng. Đã có 1.730 doanh nghiệp được thành lập với nguồn vốn trên 32.000 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Hai cam kết chính quyền tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đến đầu tư tại Bình Thuận được triển khai dự án đúng cam kết với phương châm hai bên cùng có lợi.
Tại hội nghị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Bình Thuận tập trung khai thác tốt kinh tế biển và phải làm giàu từ biển như Nghị quyết T.Ư 8 (khóa 12) đã nêu, gắn khai thác tiềm năng kinh tế biển với giữ gìn vững chắc chủ quyền biển đảo, bởi vì Bình Thuận là một trong ba ngư trường lớn nhất cả nước. Bên cạnh đó, Bình Thuận cần thực hiện tốt quyết định của Thủ tướng về quy hoạch Mũi Né trở thành khu du lịch quốc gia. “Hiện nay du khách đến Bình Thuận lưu trú chỉ 1,5 ngày, trước đây du khách lưu trú là 3 ngày. Vậy là không được. Phải làm sao cho du khách đến Mũi Né nghỉ dưỡng và lưu trú 10 ngày, thậm chí là nửa tháng, một tháng và quay lại nhiều lần”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Bình Thuận đã ký thỏa thuận ghi nhớ với 13 nhà đầu tư chiến lược trên các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, chế biến, nông nghiệp công nghệ cao và trao giấy phép đầu tư cho 11 nhà đầu tư về bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch. Tổng nguồn vốn thu hút vào các dự án này là trên 46.000 tỉ đồng. Riêng các dự án đầu tư nước ngoài được ký ghi nhớ với tổng nguồn vốn lên đến 17 tỉ USD, trong đó có dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà (H.Hàm Thuận Nam) là dự án lớn nhất từ trước đến nay.
Bình luận (0)