Bịt lỗ hổng để không còn những sai phạm đất đai kiểu Thủ Thiêm, Vũ 'nhôm'

06/12/2018 14:08 GMT+7

Câu chuyện của Thủ Thiêm , Vũ “nhôm” đã được các chuyên gia đem ra môt xẻ tại hội thảo “Kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường và những vấn đề đặt ra” tổ chức sáng nay, 6.12.

Những vụ việc nóng trong vấn đề đất đai như câu chuyện của Thủ Thiêm, Vũ “nhôm” hay Út “trọc” đã được các chuyên gia đem ra để phân tích tại hội thảo “Kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường và những vấn đề đặt ra” do Kiểm toán Nhà nước tổ chức sáng nay, 6.12.
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, mặc dù những hạn chế trong quản lý đất đai đã được chỉ rõ tại Nghị quyết T.Ư 6 khóa XI của Đảng, song đến nay vẫn hiện hữu. Đó là công tác quy hoạch đất còn thiếu tính toán về hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường; lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng; tham nhũng, tiêu cực thất thu ngân sách trong lĩnh vực quản lý đất đai còn lớn; nhiều sai phạm nổi cộm liên tiếp xảy ra, các vụ án tham nhũng trong vi phạm đất đai chiếm tỷ lệ cao trong thời gian gần đây.
“Tất cả là do chấp hành pháp luật đất đai không nghiêm, quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm từ các cấp quản lý, nhưng cũng có phần do quy định pháp luật lỏng lẻo, chồng chéo, bất hợp lý, gây nên sự lúng túng, hiểu nhầm, cố tình lợi dụng để gây sai phạm, làm thất thoát ngân sách nhà nước”, ông Phớc nhìn nhận.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đồng tình khi nhận xét giai đoạn 2014-2018 cho thấy sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai vẫn diễn ra phổ biến, thường xuyên, phức tạp, ở hầu hết các nội dung và cấp quản lý, tổ chức cá nhân sử dụng đất, với các mức độ từ ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng, kéo dài và chậm bị xử lý, gây hậu quả lớn về kinh tế và xã hội.
“Điển hình như vụ việc Vũ “nhôm”, Út “trọc”, Thủ Thiêm... Do đó, cần phải nhận diện, phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời, tránh thất thoát tài sản cho nhà nước và xã hội”, ông Ánh nói.
Trong khi đó, PGS-TS Lê Xuân Trường và TS Nguyễn Đình Chiến (Học viện Tài chính) cùng cho rằng, bất cập lớn nhất hiện nay là giá quy định trên khung giá đất quá thấp so với thực tế. Cụ thể, đất ở tại TP Hà Nội và TP.HCM khung giá đất quy định mức tối thiểu là 1,5 triệu đồng/m2, mức tối đa là 162 triệu đồng/m2, trong khi giá giao dịch trên thị trường cao hơn gấp nhiều lần, và giao dịch cao nhất lên đến trên 1 tỉ đồng/m2.
Theo các chuyên gia, điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân khi họ đang sở hữu tài sản lớn là quyền sử dụng đất, nay lại bị thu hồi vĩnh viễn với giá quá rẻ so với thực tế.
“Điển hình là việc giải phóng mặt bằng khu đô thị Thủ Thiêm, khi người dân cho biết giá đất khi đền bù cho họ là 18 triệu đồng/m2, nhưng sau đó, công ty bất động sản bán lại với giá 350 triệu đồng/m2. Điều này đã tạo ra bức xúc rất lớn từ người dân, gây khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình triển khai dự án”, TS Trường dẫn chứng.
Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, cần thay đổi phương pháp tính giá đất cũng như cần minh bạch công tác quy hoạch đất đai đồng thời tăng cường vai trò của các tổ chức giám sát như Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc…
“Việc hoàn thiện pháp luật về đất đai là hết sức quan trọng, trong đó, hoàn thiện phương pháp xây dựng giá đất là vấn đề quan trọng, cốt lõi tránh lợi dụng, bịt chỗ hổng thất thoát lãng phí”, Tổng kiểm toán Hồ Đức Phớc bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.