Dự thảo thông tư này nhằm thay thế cho Thông tư 49/2016 về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
Theo dự thảo, trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Trạm thu tiền đường bộ phải xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, thiết kế phải được cơ quan nhà nước phê duyệt; áp dụng công nghệ hiện đại theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của Bộ Giao thông Vận tải.
Toàn bộ dữ liệu thu phí tại trạm thu phí phải được kết nối với hệ thống quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Dự thảo cũng quy định về công khai thông tin, chế độ báo cáo, lấy ý kiến người dân, cơ quan quản lý, địa phương về vị trí đặt trạm thu phí; quy định phạt do các lỗi của nhà đầu tư; quy định về dừng thu phí do việc bảo trì dự án chưa đảm bảo...
|
Đáng chú ý, đây là lần thứ 3 Bộ Giao thông Vận tải thực hiện đổi tên các trạm thu hoàn vốn dự án. Đầu năm 2018 và cao điểm là tháng 5.2018, dư luận đã lên tiếng chỉ trích gay gắt việc đặt các trạm thu phí BOT tùy tiện tại nhiều địa phương cùng với việc đổi tên gọi các trạm thu phí BOT thành "trạm thu giá", từ “thu phí” thành “thu giá".
Tại phiên họp Chính phủ hồi đầu tháng 6.2018, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của các cơ quan chức năng và nhân dân để nghiên cứu thêm tên gọi cho trạm thu phí giao thông BOT và không sử dụng tên “trạm thu giá”.
Ngày 10.7.2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT; Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam; Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long yêu cầu chính thức triển khai việc sử dụng tên gọi "trạm thu phí".
Bình luận (0)