Bỏ hộ khẩu sẽ tiết kiệm 1.600 tỉ đồng mỗi năm cho người dân

17/10/2018 18:33 GMT+7

Theo Bộ Công an, việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu , sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân sẽ tiết kiệm cho người dân và nhà nước khoản tiền rất lớn.

Ngày 17.10, Bộ Công an công bố báo cáo đánh giá tác động của chính sách dự án luật Cư trú (sửa đổi) để lấy ý kiến rộng rãi. Một trong những nội dung đáng chú ý của báo cáo này là các giải pháp rút gọn giấy tờ, thủ tục hành chính trong quản lý cư trú có liên quan đến sổ hộ khẩu và sổ tạm trú.
Dự thảo báo cáo đưa ra 2 giải pháp: giữ nguyên hình thức quản lý hộ khẩu theo quy định hiện hành, hoặc tới đây bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy mà thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo Bộ Công an, đối với giải pháp bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (đây cũng là 12 số đến Thẻ căn cước công dân và Giấy chứng minh nhân dân hiện nay) sẽ đem lại nhiều mặt tích cực.
Hiện nay, công dân khi đi giao dịch phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, Giấy chứng nhận kết hôn, Giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất, bằng lái xe,… thậm chí học sinh khi đi học phải có giấy khai sinh.
Tuy nhiên, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân được hoàn thành, công dân không cần mang theo các loại giấy tờ nêu trên, không phải công chứng, chứng thực các loại giấy tờ này, mà chỉ mang theo thẻ Căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện thủ tục hành chính bảo đảm nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Theo Bộ Công an, kết quả hệ thống hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư, hiện nay có khoảng 2.705 thủ tục hành chính có yêu cầu các thông tin cơ bản về công dân; trong 5.400 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, có khoảng 1.273 thủ tục hành chính yêu cầu khai thông tin, xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ công dân; có khoảng 70 thủ tục hành chính yêu cầu xuất trình Giấy khai sinh hoặc bản sao Giấy khai sinh; khoảng 18 thủ tục hành chính yêu cầu Giấy chứng nhận kết hôn, hoặc bản sao Giấy chứng nhận kết hôn (7 thủ tục hành chính yêu cầu mang bản chính Giấy đăng ký kết hôn; 11 thủ tục hành chính yêu cầu nộp bản sao chụp Giấy đăng ký kết hôn).
Như vậy, theo Bộ Công an, nếu quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân và khai thác thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho việc xuất trình các loại giấy tờ như hiện nay sẽ cắt giảm được các thủ tục hành chính, giấy tờ và giảm được những chi phí mà người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.
Theo tính toán sơ bộ của Bộ Công an, khi ứng dụng công nghệ thông tin (cập nhật thông tin cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) vào giải quyết thủ tục hành chính, sẽ giúp giảm chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính cho người dân ước tính khoảng 1.600 tỉ đồng/năm từ việc không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình, không phải thực hiện việc sao, chụp hoặc thực hiện thủ tục hành chính chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân như trước đây, tạo thuận lợi cho gần 90 triệu người dân khi thực hiện thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền.
Bên cạnh đó, quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân sẽ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và giảm thiểu chi phí cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc khai thác dữ liệu (không cần tổ chức các đợt kiểm tra, tổng điều tra), giảm nguồn lực thực hiện nhập các trường thông tin trùng lặp về công dân và giảm tải được khối lượng hồ sơ, giấy tờ hiện đang lưu trữ tại cơ quan hành chính nhà nước.
Tuy nhiên, Bộ Công an cũng cho biết để thực hiện quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân, cần thiết phải hoàn thiện và đưa vào khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Năm 2015, Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì tổng mức đầu tư của dự án là 3.367 tỉ đồng, tuy nhiên việc triển khai vẫn còn gặp không ít khó khăn và phải tới năm 2020 thì mới có thể đồng bộ được việc bỏ hộ khẩu và sổ cư trú.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.