Cụ thể, trả lời câu hỏi của phóng viên trong và ngoài nước liên quan đến việc nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
“Liên quan đến hoạt động của nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng. Mọi hoạt động trong vùng biển Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên Hợp quốc về luật Biển 1982 không được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam đều là hành động xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và không tái diễn sự vi phạm”.
Trước đó, ngày 24.10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã xác nhận việc này.
Trả lời câu hỏi của báo chí đề nghị xác nhận việc tàu Hải Dương Địa chất 8 và các tàu hộ tống đã rời vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tiếp tục luận điệu sai trái: “Tuân theo sự sắp xếp của phía Trung Quốc, tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 đã bắt đầu việc khảo sát khoa học từ đầu tháng 7 năm nay tại vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông - phóng viên), và hiện nay việc nghiên cứu đã kết thúc”.
Đây là luận điệu đã được Trung Quốc lặp đi lặp lại trong suốt thời gian xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam suốt gần 4 tháng qua. Bằng các yêu sách phi pháp và phi lý về thứ gọi là quyền lịch sử với khu vực "đường lưỡi bò", hoặc thuyết Tứ Sa, Trung Quốc vẫn khẳng định khu vực tàu Hải Dương 8 hoạt động thuộc quyền tài phán của mình, mặc dư luận quốc tế lên tiếng phản đối.
Qua dữ liệu theo dõi tàu biển của một số nhà nghiên cứu, cho đến sáng 25.10, các tàu hộ tống của Hải Dương Địa chất 8 đã về đến Tam Á ở đảo Hải Nam, trong khi tàu Hải Dương Địa chất 8 đã về cảng đậu ở Quảng Châu, vì tàu này thuộc Cục Nghiên cứu địa chất biển Quảng Châu.
Theo nghiên cứu của Ryan Martinson, Trường đại học Hải chiến Mỹ, Cục Nghiên cứu Địa chất biển Quảng Châu sở hữu 4 chiếc tàu nghiên cứu dạng này, gồm Hải Dương 4, đưa vào hoạt động năm 1980, 3.300 tấn; Hải Dương 6, đưa vào hoạt động năm 2009, 4.600 tấn; Hải Dương Địa chất 8 - cũng là chiếc lớn nhất, đưa vào hoạt động năm 2017, 6.900 tấn; và Hải Dương Địa chất 10, đưa vào hoạt động năm 2017, 3.400 tấn.
Trong năm 2017, một chiếc tàu nghiên cứu khác cũng được đưa vào hoạt động là Hải Dương Địa chất 9 (4.350 tấn), thuộc Viện Địa chất biển Thanh Đảo.
Việc trong cùng 1 năm, hàng loạt tàu nghiên cứu địa chất viễn dương được đưa vào hoạt động cho thấy tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên biển.
Bình luận (0)