Bộ TN-MT nói gì về đề xuất đổ 2,5 triệu m3 bùn thải xuống biển?

14/08/2018 19:37 GMT+7

Bộ TN-MT vừa có phản hồi liên quan đến việc Bộ này và UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý chủ trương cho phép nhận chìm 2,5 triệu m 3 bùn thải trong quá trình thi công cảng than của dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch.

Trao đổi với PV Thanh Niên, TS Nguyễn Thế Đồng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án đồng ý về mặt chủ trương nhưng không đồng nghĩa chủ đầu tư được đổ bùn thải xuống biển ngay.
Thưa ông, vì sao Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT) lại đồng ý chủ trương đổ bùn thải nạo vét xuống biển?
Ông Nguyễn Thế Đồng: ĐTM của Dự án “Cơ sở hạ tầng thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch" tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình do Ban quản lý Dự án Nhiệt điện 2 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Dự án sẽ xây dựng bến nhập than số 1 và 2 để nhập than phục vụ Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, cho tàu có tải trọng đến hơn 100 nghìn DWT.
Để thực hiện việc này, chủ đầu tư phải nạo vét vật, chất để tàu tải trọng lớn có thể cập cảng. Một phần nhỏ khối lượng vật, chất nạo vét được sử dụng để san lấp. Khoảng 2,5 triệu m3 vật, chất nạo vét có phương án xử lý là nhận chìm xuống biển.
Vị trí nhận chìm cách bờ biển khoảng 4,5 hải lý, cách phao số 0 Hòn La khoảng 4 hải lý về phía tây nam, cách đảo Hòn La khoảng 3,5 hải lý về phía tây, cách Mũi Độc khoảng 5 hải lý về phía tây bắc, cách đảo Hòn Gió khoảng 5 hải lý về phía đông nam.
Trên cơ sở vị trí nhận chìm của dự án được UBND tỉnh Quảng Bình đề xuất, chủ đầu tư dự án đã đánh giá tác động của hoạt động nhận chìm vật, chất, cụ thể: Khảo sát độ sâu, địa hình đáy biển khu vực biển dự kiến thực hiện nhận chìm; khảo sát hệ sinh thái và sinh vật vùng biển được dự kiến cho mục đích nhận chìm; phân tích thành phần vật liệu nạo vét và kích thước hạt khi nhận chìm; chạy mô hình tính toán khả năng lan truyền bùn cát sau khi nhận chìm; khảo sát vùng nuôi trồng, đánh bắt ở khu vực nhận chìm và vùng lân cận.
Căn cứ vào kết luận của Hội đồng thẩm định, sau khi xem xét mức độ hoàn thiện của ĐTM, lãnh đạo Bộ TN-MT đã phê duyệt báo cáo ĐTM vào tháng 12.2017, với các điều kiện kèm theo làm cơ sở để chủ đầu tư dự án tiếp thực hiện các thủ tục theo quy định.
Thưa ông, điều kiện kèm theo mà Bộ TN-MT yêu cầu chủ đầu tư dự án tiếp tục thực hiện là gì?
Tôi xin khẳng định, tại quyết định phê duyệt ĐTM dự án, lãnh đạo Bộ TN-MT chưa chấp thuận cho phép chủ đầu tư tiến hành hoạt động nhận chìm theo đề xuất, và đã yêu cầu chủ đầu tư dự án tiếp tục hoàn thiện nội dung ĐTM đối với hoạt động nhận chìm ở biển.
Cụ thể, phải tiếp tục lấy mẫu, bổ sung, đánh giá thành phần, đặc tính vật, chất tại khu vực dự kiến nạo vét và nhận chìm; thiết kế làm rõ phương án thi công; công nghệ nạo vét, đổ thải và nhận chìm phù hợp để giảm thiểu các tác động đến môi trường xung quanh; xây dựng và thực hiện chương trình giám sát, quan trắc môi trường liên quan đến hoạt động nạo vét, vận chuyển và nhận chìm trong giai đoạn thi công nhận chìm ở biển.
Để được nhận chìm bùn thải xuống biển, chủ đầu tư dự án sẽ phải tiếp tục làm gì tới đây, thưa ông?
Đến nay, Bộ TN-MT thấy chưa đủ thông tin nên yêu cầu phải bổ sung. Nếu chủ đầu tư cung cấp đủ thông tin, cơ quan thẩm định thấy đủ điều kiện thì được nhận chìm vào vị trí ấy. Nếu không, chủ đầu tư phải đề nghị tỉnh Quảng Bình đề xuất cho vị trí khác để xem xét lập báo cáo ĐTM khác, thậm chí thay đổi giải pháp xử lý vật liệu nạo vét…
Lãnh đạo Bộ TN-MT yêu cầu chủ đầu tư dự án chỉ được triển khai nhận chìm sau khi có ý kiến thẩm định cấp phép nhận chìm và bàn giao khu vực biển để nhận chìm của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Nghĩa là, sau khi được phê duyệt ĐTM là cơ sở ban đầu, chủ đầu tư dự án còn phải tiếp tục khảo sát, hoàn thiện những yêu cầu bổ sung, trình Hội đồng thẩm định xem xét lại.
Đây mới là xong bước một, sau đó còn bước xin cấp phép nhận chìm và bước xin bàn giao khu vực biển dự kiến nhận chìm. Các bước này, tùy theo phân cấp quản lý, mà UBND tỉnh hoặc Bộ TN-MT sẽ xem xét.
Nhận chìm vật, chất nạo vét xuống biển bao giờ cũng là phương án sau cùng. Quan điểm của Bộ TN-MT là phải coi bùn cát nạo vét cũng là vật liệu. Nên sử dụng san lấp cho dự án ven biển là tốt nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.