Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Đang rà soát tuyển dụng đặc biệt hơn 87.000 giáo viên

01/11/2019 12:20 GMT+7

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, qua rà soát sơ bộ, hiện nay có trên 87.000 giáo viên đã ký hợp đồng trước 31.12.2015 có cơ hội được tuyển dụng đặc biệt, theo Kết luận 9028 của Bộ Chính trị .

Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên bên lề Quốc hội ngày 1.11 về việc tuyển dụng đặc biệt với giáo viên và nhân viên y tế theo Kết luận 9028 của Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ đã giải quyết đợt 1, trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết bổ sung giáo viên mầm non của 19 tỉnh, trong đó có 14 tỉnh tăng cơ học và 5 tỉnh Tây nguyên là 20.300 giáo viên.
“Ngoài số đó, Bộ Nội vụ cũng đang phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục - Đào tạo, yêu cầu các địa phương báo cáo số giáo viên đã ký hợp đồng trước 31.12.2015, còn nằm trong biên chế từ năm 2015 tới nay, xem nhu cầu là bao nhiêu. Hiện qua tổng hợp của Bộ Giáo dục - Đào tạo thì còn hơn 87.000 người. Con số này quá lớn. Do đó, chúng tôi đề nghị Chính phủ cho chủ trương rà soát, giao cho Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục - Đào tạo trực tiếp làm việc với các địa phương và sẽ báo cáo con số cụ thể để Thủ tướng quyết định biên chế cho giáo viên và cho y tế cơ sở theo Kết luận 9028 của Bộ Chính trị”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.
Khẳng định nguyên tắc phải đảm bảo người học thì phải có người dạy, người bệnh thì phải có bác sĩ điều trị, nhưng người đứng đầu ngành Nội vụ cũng nhấn mạnh sẽ chỉ giải quyết theo chế độ “đặc biệt” trên cơ sở biên chế của 2015 còn và với những người đã có hợp đồng lao động.
“Trước đó, Chính phủ đã có chủ trương chuyển số hợp đồng này thành viên chức mà các địa phương chưa chuyển thì nay ta chuyển họ thành viên chức”, theo Bộ trưởng Tân.

Chỉ còn cách xã hội hóa, tự chủ mới đạt mục tiêu tinh giản biên chế

Dù vậy, với số lượng viên chức sắp sửa tuyển dụng lớn như trên (khoảng trên 100.000 người), Bộ trưởng Nội vụ đang rất lo lắng về việc không thể đạt được mục tiêu tinh giản 10% biên chế cho đến năm 2021.
“Tình hình giảm thế này thì đến 2021 rất khó. Với việc giảm biên chế của các đơn vị hành chính cấp huyện trở lên thì khả năng đến 2021 thì đạt 10%. Giờ này Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng, đến 2020 đã giao biên chế rồi, đạt tỷ lệ giảm 8,68%, còn hơn 1,3% thôi, quá nhẹ. Nhưng đối với khối sự nghiệp, cơ quan T.Ư đã giảm được hơn 11%, nhưng địa phương mới giảm được 4,26%. Địa phương rất khó, vì giáo dục và y tế địa phương rất khó xã hội hóa. Chỗ này đang băn khoăn, đặc biệt với việc vừa rồi bổ sung hơn 20.300 giáo viên mầm non nữa và sắp tới giải quyết theo Kết luận 9028 thì còn tiếp tục bổ sung biên chế nữa”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói, và cho rằng “giờ chỉ còn cách đẩy mạnh xã hội hóa và giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập”.
Theo Bộ trưởng Tân, căn cứ thực tiễn, hiện Bộ Nội vụ cũng đang cân đối giữa xã hội hóa và giảm biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
“Đối với Bộ Nội vụ thì chúng tôi đặt vấn đề là chúng ta xã hội hóa được, giao quyền tự chủ được thì chúng ta cũng đạt được mục tiêu là nhà nước giảm tiền trả lương, chứ không đặt nặng vấn đề tinh giản biên chế của các đơn vị sự nghiệp. Đơn vị sự nghiệp giải quyết được nhiều lao động, cung ứng nhiều dịch vụ công tốt hơn càng tốt, xã hội hoan nghênh”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân bày tỏ quan điểm và cho rằng đây là vấn đề các bộ, ngành phải tranh thủ tham mưu cho Chính phủ ban hành các nghị định để thực hiện lộ trình xã hội hóa, giao quyền tự chủ, trong đó có tự chủ chi thường xuyên và tự chủ chi đầu tư.
Theo Bộ trưởng Tân, hiện vẫn còn 4 bộ chưa ban hành nghị định. Nếu việc này vẫn tiếp tục chậm trễ sẽ rất khó đạt mục tiêu giảm biên chế vào năm 2021.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.