Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Ai mang bản giấy bảo tôi kí là tôi mời về'

13/06/2019 12:47 GMT+7

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói trừ văn bản mật, còn lại ông toàn dùng chữ kí số, nếu cán bộ nào mang hồ sơ giấy lên bảo ông kí là ông... mời về!

Thông tin trên được ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chia sẻ khi chủ trì buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với 10 bộ, cơ quan vào sáng nay (13.6), để đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử.
Ông Dũng cho hay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách nền hành chính theo hướng hiện đại, quan trọng hơn nữa là xây dựng Chính phủ phục vụ, hướng tới người dân và doanh nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ.
“Đến tháng 11 này sẽ khai trương cổng dịch vụ công quốc gia, tinh thần là không cầu toàn mà chọn một số dịch vụ làm trước cấp đổi bằng lái xe và một số dịch vụ mà người dân và doanh nghiệp cần nhất”, ông Dũng nói, đồng thời lưu ý tinh thần Thủ tướng muốn gửi gắm, rằng 10 bộ tham gia buổi làm việc này phải là hình mẫu, nêu gương trong thực hiện Chính phủ điện tử.
Nhắc tới các ví dụ thực tế ở nhiều quốc gia, như mỗi người dân đổ rác hay đỗ xe sai vị trí đều được ghi nhận, phản ánh về trung tâm và bị phạt nguội, chứ không có cảnh sát đến tận nơi, hay có nước quy định người dân xếp hàng không quá 15 phút khi làm dịch vụ công, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh: “Nếu chúng ta vẫn làm như cũ thì không được”.
Theo ông Dũng, hiện Văn phòng Chính phủ đã đi đầu trong văn phòng không giấy tờ, áp dụng chữ ký số. "Cán bộ nào lên phòng tôi uống nước thì được chứ mang cả tập hồ sơ giấy lên bảo tôi ký là tôi mời về. Tôi cũng dặn thư ký là không nhận hồ sơ giấy, trù các văn bản mật", ông Dũng nói.
Theo Bộ trưởng, chỉ đạo của Thủ tướng là nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ việc nhỏ nhất, với nền tảng thể chế, nền tảng công nghệ thông tin, nền tảng cơ sở dữ liệu… Đặc biệt, hướng tới nền kinh tế số, phục vụ người dân mới là mục tiêu của Chính phủ điện tử. Chính phủ điện tử là công cụ phục vụ nhân dân. Phải đẩy mạnh cải cách nội bộ, lấy cơ quan T.Ư làm hình mẫu, tạo áp lực với cấp dưới.
Tổ trưởng Tổ công tác thúc giục các bộ cần đẩy sớm tiến độ xây dựng các nghị định về quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu và về định danh, xác thực điện tử; sớm đề xuất phương án đẩy mạnh cấp chứng thư số cho người dân, doanh nghiệp theo hướng giảm chi phí cấp và duy trì hoạt động chứng thư số.
Ông Mai Tiến Dũng cũng lưu ý các bộ cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đề án cơ sở dữ liệu, như cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức (Bộ Nội vụ), dữ liệu về doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), dữ liệu về đất đai (Bộ Tài nguyên - Môi trường), dữ liệu về bảo hiểm (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) và nghị định liên quan (Bộ Lao động-Thương binh -Xã hội), cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an), cơ sở dữ liệu về tài chính (Bộ Tài chính).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.