Bộ trưởng NN-PTNT: 'Không có lý gì mà giờ chúng ta cứ tập trung ăn thịt lợn’

13/06/2020 16:48 GMT+7

"Thịt gà rất tốt. Cá cũng vậy. Tôm cũng vậy. Trứng cũng vậy. Đều do nông dân ta làm ra... Không có lý gì bây giờ chúng ta cứ tập trung ăn thịt lợn ", Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khuyến nghị.

“Cung cầu nó chưa gặp nhau, dẫn đến câu chuyện giá tăng”

Chiều 13.6, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã giải trình trước Quốc hội về các vấn đề "nóng" của ngành nông nghiệp, trong đó có việc giá thịt lợn cứ cao, bất chấp các chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ trưởng NN&PTNT phát biểu trước quốc hội: "Không có lý gì mà giờ chúng ta cứ tập trung ăn thịt lợn"

Theo Bộ trưởng, có một số nguyên nhân dẫn đến giá lợn cao. Thứ nhất là dịch tả lợn châu Phi, “một loại dịch bệnh rất đặc biệt, hết sức nguy hiểm cho ngành chăn nuôi lợn trên thế giới và Việt Nam”.
Chính thức đã xảy ra tại Trung Quốc từ tháng 8.2018, sau một năm rưỡi, trên toàn thế giới đã có 33 nước xuất hiện dịch, làm cho tổng đàn lợn của toàn thế giới vào tháng 12.2019 giảm 12%. Trung Quốc, quốc gia bị tổn thương lớn nhất do dịch, giảm tới 53% sản lượng, kéo theo hệ lụy là thực phẩm bị khủng hoảng và đặc biệt giá lợn của phía Trung Quốc tăng lên rất cao, 130.000 -140.000 đồng/kg.
Khi bị Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, người điều hành phiên thảo luận, nhắc “tình hình thì Quốc hội nắm được rồi, Bộ trưởng cho biết làm thế nào để phục hồi đàn lợn, giảm giá thịt lợn trên thị trường?”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phân trần: “Cũng phải phân tích để thấy quyết tâm (giảm giá thịt lợn) của chúng ta phải có thời gian, chứ nếu chúng ta hình dung nó rất đơn giản thì không phải thế”.
Sau đó, Bộ trưởng Cường tiếp tục mạch giải trình, cho biết, vì cuộc khủng hoảng đó, quý 1/2020, Trung Quốc phải nhập khẩu đến 1 triệu tấn thịt lợn.
Tại Việt Nam, dịch tả lợn châu Phi làm cho xấp xỉ 6 triệu con lợn bị tiêu hủy, giảm 20% về lượng. Chính điều này là nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng biến động giá vừa qua.
Trước tình hình đó, theo Bộ trưởng, ngay từ tháng 3.2019, chúng ta đã có chủ trương phát triển các nhóm thực phẩm khác, như: gà, thủy sản, trứng. Chính vì thế, cuối năm 2019, chúng ta bù đắp được 760.000 tấn thực phẩm, không xảy ra thiếu thực phẩm.
Tuy nhiên, vì lợn chết mất 20% tổng đàn, nên phải phục hồi đàn theo lộ trình. Theo kế hoạch, đến quý 4 năm nay, hệ số đầu lợn sẽ ngang mức 31 triệu con của thời điểm trước khi bị dịch xảy ra.

"Thịt gà rất tốt. Cá cũng vậy. Tôm cũng vậy"

Trước khi tình hình này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp cùng với các địa phương đang tập trung đẩy nhanh hơn quá trình tái đàn, nhưng cũng phải thận trọng đề phòng dịch bệnh quay lại. Rất nhiều địa phương cũng đã có chính sách hỗ trợ nông dân khôi phục đàn lợn.
“Việc thứ ba, nhân diễn đàn này, chúng tôi đề nghị chúng ta tập trung khuyến cáo và lựa chọn các thực phẩm đa dạng. Không có lý gì bây giờ chúng ta cứ tập trung ăn thịt lợn cả. Thịt gà rất tốt, do bà con nông dân sản xuất ra. Cá cũng vậy. Tôm cũng vậy. Trứng cũng vậy. Đều của nông dân ta cả. Chúng ta đa dạng các loại thực phẩm ra, vừa bổ dưỡng, tốt cho cơ thể, vừa không gây áp lực cho một ngành nào”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khuyến nghị khiến cả hội trường cười ồ.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển một lần nữa lên tiếng: “Bộ trưởng nói như thế cũng được. Vấn đề giá thịt lợn vẫn đang là cao, làm thế nào chúng ta hạ xuống bình ổn thị trường?”
Bộ trưởng lập tức trả lời: “Đấy, thì tập trung tái đàn nhanh, đưa ra khuyến cáo đa dạng sản phẩm, tăng cường thương mại để làm sao kiểm soát, không để trục lợi, không để lợi dụng chuyện này để tăng giá”.
“Còn nói giá bao nhiêu thì không thể kết luận là giá bao nhiêu. (Chúng tôi) làm sao cố gắng để cung cầu nó càng gặp nhau sớm để có giá phù hợp nhất”, theo Bộ trưởng.
Trong phiên giải trình này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết ngành nông nghiệp đã rất nỗ lực để đạt được tất cả các kế hoạch dự kiến, trừ xuất khẩu giảm 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng cũng là một thành quả vô cùng lớn của ngành nông nghiệp so với các ngành khác, trong bối cảnh bị tác động tiêu cực của rất nhiều yếu tố: dịch Covid-19, dịch tả lợn châu Phi, thời tiết cực đoan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.