“Về chuyển giá, như tôi đã báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cái mà chúng ta đang làm (thanh tra, kiểm tra) là trong khâu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng về chuyển giá, chúng tôi rất lo, chính là trong giai đoạn đầu tư”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Dũng, giai đoạn đầu tư đang rất thông thoáng, nhưng cũng rất lỏng lẻo trong quản lý. Năm nào cũng báo cáo 15 - 17 tỉ USD vốn FDI đăng ký, giải ngân… nhưng ai kiểm soát số đăng ký, giải ngân tương ứng với giá trị thật mà doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam? Mà điều này liên quan đến khấu hao, chi phí và đóng thuế sau này của doanh nghiệp. Nếu chúng ta quản lý tốt thì việc chống chuyển giá trong đầu tư vô cùng hệ trọng.
Theo Bộ trưởng, luật Quản lý thuế (sửa đổi) kỳ này đã khắc phục một bước sự lỏng lẻo trong kiểm soát khâu đầu tư, nhưng sau này luật Đầu tư, luật Doanh nghiệp phải rà soát đồng bộ. Hiện cơ quan hải quan cũng kiểm tra sau thông quan khoảng 6.900 cuộc, kiến nghị xử lý 3.700 tỉ đồng. Cơ quan thuế cũng đã xử lý thu hồi nợ đọng thuế 1.521 tỉ đồng trong năm 2018.
Về tăng cường quản lý thu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2018, cơ quan thuế đã thực hiện 95.940 cuộc thanh tra, kiểm tra thuế, qua đó kiến nghị thu vào ngân sách nhà nước 19.000 tỉ đồng, giảm lỗ 40.900 tỉ đồng, liên quan đến chuyển giá, FDI, làm tăng thu ngân sách.
Tương tự, năm 2017, cơ quan thuế cũng giảm lỗ 37.000 tỉ đồng, chủ yếu liên quan doanh nghiệp FDI, xử lý thu hồi 32.000 tỉ đồng nợ đọng thuế của năm 2017 chuyển qua.
Liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng còn tồn tại nhiều khó khăn ảnh hưởng đến thu ngân sách. Cụ thể, năm 2018, số lượng doanh nghiệp thành lập mới 131.300 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ. Tuy nhiên, cũng có tới 107.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, từ đó mất luôn số thuế phải nộp.
“Doanh nghiệp thành lập một thời gian dài mới có đóng thuế, và thường các doanh nghiệp mới và lớn được hưởng ưu đãi thuế, nên đóng thuế ít. Như các công ty Samsung Electronic VN, Samsung Thái Nguyên, Formosa… đang trong giai đoạn ưu đãi, được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Chúng ta đã cam kết, đưa vào luật, vào giấy phép đầu tư rồi… Đó là thực trạng khiến cho nguồn thu khó khăn”, Bộ trưởng Dũng nêu.
Năm 2018, Bộ Tài chính đã dự toán thu từ một số lĩnh vực rất cao so với với thực tế, nhất là 3 khu vực: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân. Rút kinh nghiệm điều này, năm 2019, Bộ Tài chính đã điều chỉnh, dự toán thu khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 13,1%, từ khu vực FDI tăng 30,1%, ngoài quốc doanh 20,4%.
Bình luận (0)