Bộ trưởng Tô Lâm: Chưa mở rộng điều tra gian lận thi cử ra tỉnh thành khác

29/10/2018 13:12 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, Bộ Công an chưa mở rộng điều tra gian lận thi cử ra các tỉnh thành khác, ngoài 3 tỉnh đã khởi tố các vụ án, gồm Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định điều này khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay, 29.10.
[VIDEO] Khởi tố, bắt giam 2 cán bộ trong vụ án gian lận thi cử ở Hòa Bình - Video tư liệu
“Các tỉnh, thành khác do Bộ Giáo dục - Đào tạo và các cơ quan kiểm tra chứ công an chưa kiểm tra vì chưa có dấu hiệu vi phạm pháp luật”, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin và cho biết, trong phạm vi vụ án, Bộ Công an vẫn đang điều tra và vẫn chưa có kết luận.
Trước đó, giải trình trước Quốc hội về lĩnh vực giáo dục - đào tạo chiều 26.10, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, liên quan tới tiêu cực thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa qua, tới nay cơ quan chức năng đã phát hiện, chính thức khởi tố 11 người theo đúng pháp luật; 151 học sinh bị xử lý theo quy chế.
“Tới đây sẽ làm tiếp trên tinh thần sai là sửa”, ông Nhạ nói và khẳng định với tư cách là bộ trưởng, ông kiên quyết chống tiêu cực.
Trước đó, tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã xảy ra một loạt vụ gian lận tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, tại Hà Giang, có 330 bài thi của 114 thí sinh sửa từ 1 - 8 điểm. Đáng nói, tới nay, chỉ có các bài thi bị sửa điểm tại Hà Giang có thể khôi phục điểm thi gốc, còn tại Hòa Bình, Sơn La thì vẫn chưa thể khôi phục được.
Sau khi Bộ Công an vào cuộc, số cán bộ giáo dục đã bị khởi tố bắt tạm giam vì liên quan tới gian lận thi cử tại 3 tỉnh trên là 11 người, trong đó Hà Giang 2 người, Sơn La 6 người, Hòa Bình 3 người. Số học sinh đã bị xử lý do vi phạm quy chế thi là 151 em, trong đó Hà Giang 114, Sơn La 29, Lạng Sơn 8.
[VIDEO] Ông Vũ Trọng Lương và thủ đoạn “phù phép” điểm thi ở Hà Giang - Video tư liệu
Tiếp tục duy trì kỳ thi 
Trong phần giải trình của mình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định, qua những bê bối trong kỳ thi THPT năm 2018, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã rút kinh nghiệm, tiếp tục tăng số lượng, chất lượng câu hỏi thi, mục tiêu chính là đánh giá tốt nghiệp trung học phổ thông, để học sinh học sau 12 năm phải có đánh giá, bởi “nếu không có đánh giá thì chất lượng đi xuống”.
Việc duy trì kỳ thi, theo ông Nhạ là cần thiết, bởi tâm lý không thi thì không học. Thêm nữa, thi cũng là cơ sở đánh giá điều chỉnh lại nội dung chương trình.
"Năm tới, chúng tôi đã xin ý kiến Thủ tướng, tiếp tục ổn định kỳ thi với những khắc phục cần thiết. Mục tiêu ra đề thi bám sát trình độ, kiến thức phổ thông, trong đó có phân hóa mức độ cần thiết, trên cơ sở chất lượng phổ thông này các trường đại học và cao đẳng sử dụng để xét tuyển đầu vào", Bộ trưởng Nhạ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.