Mở đầu phiên chất vấn sáng nay, 1.11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã “tiếp sức” Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về đấu tranh với các thông tin vu khống, xúc phạm cá nhân, nhất là các bộ trưởng, trên mạng xã hội.
Bộ trưởng Công an cho biết: “Về vấn đề này, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông và cơ quan chức năng xử lý một số vụ việc, một số đối tượng nhưng chưa ngăn chặn được, còn một số khó khăn”.
Các khó khăn, theo Bộ trưởng Tô Lâm, trước hết là tính nặc danh của thông tin trên mạng, nhất là với internet thì thông tin không chỉ ở trong nước, mà còn có tính xuyên quốc gia, quốc tế.
Thứ hai là hệ thống luật cũng chưa hoàn thiện, như muốn kết luận thông tin là vu khống, xuyên tạc thì phải trưng cầu giám định, phải có cơ quan chức năng; vấn đề chứng cứ số cũng mới ở trạng thái “đang được hoàn thiện”.
Đề cập đến giải pháp, Bộ trưởng Công an cho biết, Bộ này sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý với hành vi xúc phạm, vu khống, làm nhục người khác trên không gian mạng, cụ thể là đang hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua.
Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, phản bác các hoạt động chống đối, bôi nhọ xuyên tạc trên mạng; tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh thông tin, an ninh mạng, trong đó có việc “yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ngăn chặn truy cập từ trong nước với gần 3.000 trang mạng có nội dung xấu, độc” và “yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài hợp tác yêu cầu xử lý các thông tin vi phạm pháp luật ở Việt Nam”, “thu thập thông tin xử lý các đối tượng có hành vi vu khống, bôi nhọ... để có đấu tranh xử lý kịp thời.
Trong phiên chất chấn chiều qua (31.10) về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, “thông tin sai là câu chuyện toàn cầu, nước lớn nhỏ có hết và tình trạng này càng ngày càng nặng”. Để giải quyết vấn đề này, theo ông Hùng, cùng với việc xác lập rõ “thế nào là thông tin sai” thì cũng cần có công cụ giám sát, phân tích đánh giá - tức phải áp dụng giải pháp công nghệ.
Tuy nhiên, tư lệnh ngành Thông tin - Truyền thông thừa nhận cái khó hơn là quản lý đối với các mạng xã hội xuyên biên giới; cần mạnh tay hơn, yêu cầu họ tuân thủ luật pháp Việt Nam, nhất là về gỡ bỏ thông tin. Giải pháp này nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới như EU, ASEAN đều đã làm. Điều quan trọng là cương quyết thượng tôn pháp luật và chế tài xử lý.
“Mạng xã hội không ảo nữa, mà thật rồi, chúng ta không nên bỏ trống trận địa này, đặc biệt là người dân, chính quyền phải sống nhiều hơn trên mạng xã hội. Cái tốt lớn lên thì cái xấu giảm đi. Chúng ta cũng cần nâng cao nhận thức của người dân, thông tin trên mạng xã hội là thông tin không được kiểm duyệt, cho nên không phải cái gì ta xem cũng tin ngay, cái này cần phải truyền thông”, ông Hùng nói.
Bình luận (0)