Bộ Y tế bảo vệ quan điểm hàng kém chất lượng đến cùng, vì sao?

01/10/2019 12:53 GMT+7

Theo một số chuyên gia pháp luật , việc hiểu sai về hàng kém chất lượng và hàng giả của Bộ Y tế sẽ tạo tiền lệ xấu cho xã hội.

15 giờ hôm nay (1.10), TAND TP.HCM sẽ tuyên án vụ “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” - thuốc H-Capita 500 mg, xảy ra tại Công ty CP VN Pharma (VN Pharma) đối với 12 bị cáo; đồng thời liên quan đến trách nhiệm của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) trong việc cấp phép cho VN Pharma nhập lô thuốc về.

Tuyên án đối với các bị cáo trong vụ thuốc ung thư giả ở công ty VN Pharma

Trước đó, sau 5 ngày xét xử, giữa đại diện Viện KSND TP.HCM và các luật sư bào chữa cho một số bị cáo, đại diện Cục Quản lý dược tranh luận gay gắt giữa việc thuốc H-Capita là thuốc giả hay kém chất lượng.
Trong đó, Cục Quản lý dược đề nghị HĐXX xem xét và chấp nhận các tài liệu xác minh nguồn gốc, chất lượng 9.300 hộp thuốc H-Capita do đoàn công tác Bộ Y tế tại Ấn Độ đi thực tế, thu thập và được Cục Quản lý dược, Phòng thương mại, Bộ ngoại giao Ấn Độ và Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ xác nhận tính hợp pháp. Từ đó, xác định thuốc H-Capita do VN Pharma nhập về là thuốc kém chất lượng.
Tuy nhiên, Viện KSND TP.HCM đặt vấn đề: “Đoàn công tác Bộ Y tế tại Ấn Độ đi theo sự phân công của ai, thu thập thông tin bằng cách nào? Viện kiểm sát cho rằng việc Bộ Y tế đi xác minh là không khách quan, không đúng thủ tục quy định theo Bộ luật tố tụng hình sự, cơ quan điều tra chưa xác minh tính chính xác của tài liệu này. Do đó Viện kiểm sát không sử dụng trong việc đánh giá chứng cứ tại phiên tòa này”.

“Trùm” buôn bán thuốc ung thư giả ở VN Pharma nói gì trong lời sau cùng?

Đưa ra quan điểm hoàn toàn sai quy định pháp luật về hàng giả

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, chứng cứ là những tài liệu được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định. Vì vậy, những tài liệu do đoàn công tác Bộ Y tế tự đi xác minh phải được thẩm tra, thẩm định.
Ngoài ra, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng các tài liệu do Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cung cấp không làm thay đổi được bản chất, rằng lô hàng H-Capita là hàng giả.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng phân tích, Bộ Y tế rất nhiều lần gửi văn bản đến TAND TP.HCM diễn giải liên quan khái niệm hàng giả. Bộ Y tế cho rằng sản phẩm đúng chất lượng, nhưng chỉ bị làm giả nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác..., thế nên quan điểm Bộ Y tế không coi đó là hàng giả.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 8, Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, hàng giả bao gồm: Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; Không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác; hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa; tem, nhãn, bao bì giả.
“Có thể thấy Bộ Y tế không hiểu gì về khái niệm hàng giả và đưa ra quan điểm hoàn toàn sai quy định pháp luật về hàng giả. Với cách hiểu của Bộ Y tế vô tình tạo điều kiện cho rất nhiều doanh nghiệp buôn bán thiết bị, thuốc y tế giả mạo về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác để trục lợi", luật sư Nguyễn Ngọc Hùng đánh giá.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng đặt vấn đề: "Không biết mục đích của Bộ Y tế là gì? Khi cố gắng "chiến đấu" đến cùng bảo vệ quan điểm "hàng giả" sai trái. Nhưng như vậy quá nguy hiểm, quá rủi ro và tạo ra rất nhiều tiền lệ rất xấu cho xã hội. Cuối cùng người dân là người thiệt hại nhất khi phải oằn mình ra mua thuốc với giá ngất ngưởng”.
Kết luận giám định về lô thuốc H-Capita nêu: “H-Capita có chứa 97,5% hoạt chất Capecitabine là thuốc kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”.
Trong phần tranh luận, Viện KSND TP.HCM nêu, giấy phép nhập khẩu thể hiện các bị cáo nhập hàng từ Công ty Helix Canada, nhưng CQĐT xác minh tại Canada không có công ty này; tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc do VN Pharma thuê dược sĩ Phạm Văn Thông viết ra; Cục Quản lý dược khẳng thuốc chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt chất lượng, còn kết luận điều tra có nhiều thứ không đạt: Màu sắc thuốc đăng ký là đỏ (trong khi nhập về hồng), có vỉ thuốc rỗng, 1 số hộp thuốc đúng số lượng vỉ, nhãn mác không đầy đủ thông tin được duyệt, tờ hường dẫn sử dụng và tờ hướng dẫn sử dụng được duyệt khác nhau về thành phần tá dược, thậm chí có hộp không có tờ hướng dẫn sử dụng.
Từ đó, Viện KSND TP.HCM kết luận H-Capita là thuốc giả cả về xuất xứ, lẫn cả chất lượng.
Đồng thời, Viện KSND TP.HCM đề nghị HĐXX không xem các tài liệu do Cục Quản lý dược Bộ Y tế "cấp tốc" xác minh là chứng cứ trong vụ án. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.