Bỗng dưng thành giám đốc công ty 'ma': Tăng cường hậu kiểm để xử lý

24/09/2020 08:07 GMT+7

Cơ quan chức năng, chuyên gia pháp lý nói gì trước sự vụ anh T.H.Q.H. bỗng dưng trở thành giám đốc công ty 'ma', đệ đơn kêu cứu nhiều nơi nhưng 5 tháng nay vẫn chưa được giải quyết.

Trước sự vụ anh T.H.Q.H (32 tuổi, quê Long An, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) bỗng dưng trở thành giám đốc, đệ đơn kêu cứu nhiều nơi nhưng  5 tháng nay vẫn chưa được giải quyết, cơ quan chức năng, chuyên gia pháp lý nói gì ?

Công an kết luận giả mạo, sẽ lập tức thu hồi

Trả lời Thanh Niên, lãnh đạo một đơn vị chức năng của Bộ KH-ĐT cho biết theo quy định của luật Doanh nghiệp (DN) và các nghị định hướng dẫn hiện hành thì “đầu mối” xử lý vụ việc liên quan loạt bài Bỗng dưng thành giám đốc công ty “ma” thuộc về phía công an chủ trì.
Cụ thể, theo Nghị định 78, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn việc xác định nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN) là giả mạo. Tiếp đó, Nghị định 108 về xác định nội dung kê khai trong hồ sơ ĐKDN là giả mạo nêu rõ 2 trường hợp.
Thứ nhất, nếu có căn cứ xác định nội dung kê khai trong hồ sơ ĐKDN là giả mạo thì tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị Phòng Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) thuộc Sở KH-ĐT thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận ĐKDN và có trách nhiệm cung cấp cho Phòng ĐKKD một trong các văn bản cần thiết, gồm: bản sao hợp lệ văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khẳng định văn bản do cơ quan đó cấp bị giả mạo, hoặc bản sao hợp lệ văn bản kết luận của cơ quan công an về việc nội dung kê khai trong hồ sơ ĐKDN là giả mạo.
Thứ hai, nếu cần xác định nội dung kê khai trong hồ sơ ĐKDN là giả mạo để làm cơ sở thu hồi Giấy chứng nhận ĐKDN, Phòng ĐKKD gửi văn bản kèm theo hồ sơ ĐKDN đến cơ quan (công an, cơ quan có thẩm quyền cấp văn bản). Các cơ quan này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về kết quả xác định theo đề nghị của Phòng ĐKKD trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị. Căn cứ kết luận của các cơ quan nêu trên, Phòng ĐKKD thu hồi Giấy chứng nhận ĐKDN nếu nội dung kê khai trong hồ sơ ĐKDN là giả mạo.
“Nạn nhân bị mất giấy chứng minh thư, nếu người khác lấy để lập DN thì sẽ phải giả mạo các giấy tờ, chữ ký… Khi đó, quy trình xử lý phải theo các bước ở trên. Cơ quan quản lý ĐKKD không có thẩm quyền để xác minh giấy tờ giả mạo, theo luật duy nhất chỉ có cơ quan công an kết luận có giả mạo hay không. Trong vòng 30 ngày có kết luận giả mạo, cơ quan quản lý ĐKKD sẽ lập tức thu hồi ngay Giấy chứng nhận ĐKKD chứ không phải đợi đến 6 tháng.
Vì 6 tháng là trường hợp khi có vi phạm khác về thuế, điều kiện kinh doanh…”, lãnh đạo cục chức năng thuộc Bộ KH-ĐT cho hay.

Không làm tròn trách nhiệm

Về việc anh T.H.Q.H đệ đơn gõ cửa nhiều nơi công quyền nhờ can thiệp nhưng họ đùn đẩy cho nhau, luật sư Trương Trọng Nghĩa (Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội) nhìn nhận đang có dấu hiệu của hành vi trái pháp luật, có biểu hiện lừa đảo và có thể tác hại nghiêm trọng đến xã hội. Khi người dân đến trình báo về một hành vi như vậy, cơ quan chức năng phải xác minh xem sự thật thế nào, nếu người dân trình báo sai thì có biện pháp xử lý như phê bình, cảnh cáo hoặc xử phạt hành chính. Còn nếu có căn cứ để tin đó là sự thực thì phải làm ngay việc thứ hai: ngăn chặn, chấm dứt hoạt động của công ty “ma” và truy tìm, đưa những người lừa đảo ra xử lý trước pháp luật. Hai việc vừa nêu thuộc về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng được UBND TP.HCM phân công.
Qua cách hành xử của cơ quan như Thanh Niên phản ánh, luật sư Nghĩa cho rằng các cơ quan này đã không làm tròn trách nhiệm của mình, trước hết là công an và Sở KH-ĐT. Công an có nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn tội phạm để không xảy ra thiệt hại cho nhân dân, cho xã hội nên khi có tin báo, tố giác thì cơ quan công an phải khởi động việc điều tra, xác minh, không thể đùn đẩy cho cơ quan khác.

Đừng buông lỏng kiểm tra

Về công tác hậu kiểm, ông Trương Trọng Nghĩa nhận định, thủ tục hành chính càng cải tiến, càng thuận lợi thì hoạt động tiền kiểm càng giảm, chỉ tập trung vào những khâu quan trọng, nhưng điều đó không có nghĩa là buông lỏng kiểm tra mà ngược lại, cần phải tăng cường hậu kiểm. 
“Ở đây có dấu hiệu giả mạo người ĐKKD, lừa Sở KH-ĐT để lập DN, đồng nghĩa với việc có một DN giả đã được đăng ký hoạt động, nên Sở KH-ĐT phải có trách nhiệm sửa sai, cho dù Sở không có lỗi hay chỉ là lỗi vô ý”, luật sư Nghĩa phân tích.
Cũng theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, trong trường hợp trên, khi tiếp nhận trình báo của người dân, cơ quan chức năng cần phải phối hợp ngay, Công an Q.12 nhận được trình báo của người dân báo là có DN giả tên mình thì phải lấy thông tin và liên hệ Sở KH-ĐT và chi cục thuế để cùng nhau xác minh và xử lý theo thẩm quyền. Nếu đây là DN “ma”, DN “giả mạo” là đã có dấu hiệu phạm pháp hình sự, thì Sở KH-ĐT cần liên hệ ngay với những người đã đăng ký để xác minh, rồi cần phối hợp với công an, chi cục thuế xác minh, xử lý.

Tăng cường giám sát cộng đồng

Về biện pháp căn cơ để xử lý nghiêm, chấn chỉnh tình trạng công ty “ma”, theo vị đại diện của Bộ KH-ĐT, là câu chuyện hai mặt của vấn đề. Điều đầu tiên khẳng định là sẽ không bao giờ xảy ra việc kiểm tra địa chỉ của DN trước khi thành lập vì Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã nhất quán chủ trương khuyến khích người dân thành lập DN, kinh doanh trên nguyên tắc tự khai tự chịu trách nhiệm. Nếu kiểm tra hết thì sẽ trở thành rào cản đối với DN, như chuyện vì một vài người vượt đèn đỏ mà kiểm tra tất cả người đi đường. Việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn là xu thế tất yếu của thế giới.
Tuy nhiên, khi khâu tiền kiểm mở như vậy thì phải tăng cường hậu kiểm. Cơ quan quản lý ĐKKD chỉ như cơ quan cấp giấy khai sinh, muốn hậu kiểm tốt cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý khác theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao. “Quan trọng nhất là kết nối, chia sẻ thông tin, tăng cường giám sát cộng đồng”, vị này nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.