Thảo luận tại “Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội” do Văn phòng Quốc hội (QH) và Ủy ban Kinh tế tổ chức sáng nay, 27.9, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng QH, cho rằng việc quan trọng nhất hiện nay là chuyển đổi mô hình chống dịch như thế nào, khi vừa qua chúng ta khóa cứng kéo dài gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội.
“Vừa rồi rất mừng là Thủ tướng nói sẽ chuyển sang sống chung an toàn với Covid-19. Còn như trước, chúng ta cứ đặt mục tiêu “Zero Covid-19” phong tỏa cứng cả đất nước, mỗi lần từ 7 - 10 ngày. Nếu cứ phong tỏa nửa năm trời như thế thì đổ vỡ hết”, ông Dũng lo ngại.
Vẫn theo chuyên gia này, hiện tại, các địa phương vẫn áp dụng cách chống dịch rất khác nhau, nó như “vòng kim cô” cho các lãnh đạo đứng đầu.
“Chúng ta áp đặt nếu để bùng dịch người đứng đầu chịu trách nhiệm thì người ta cứ có 1 - 2 ca là sẽ khóa cứng thôi. Như TP.HCM khóa cứng không cho chợ dân sinh, đầu mối… chỉ cho mỗi siêu thị hoạt động thì người nghèo họ không tiếp cận được, sẽ sống khốn khổ như thế nào?”, ông Dũng băn khoăn, và đề nghị cần xóa bỏ ngay quy định mỗi tỉnh mỗi kiểu, đòi hết giấy này giấy kia, tỉnh cho qua, tỉnh lại không, thì nền kinh tế không thể lưu thông được.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cũng chỉ ra 3 vấn đề chưa được thời gian qua. Đó là chính sách thiếu nhất quán, giật cục thay đổi nhanh khiến DN bị động. Khi sửa thì quá chậm gây tăng chi phí, tạo ra đứt gãy chuỗi cung ứng ở nhiều thời điểm.
Thứ hai, cải cách và cải thiện thể chế bị chậm lại; cơ cấu lại nền kinh tế cũng bị chững và cổ phần hóa chậm, trong khi nếu làm tốt cổ phần hóa, tái cơ cấu thì chúng ta sẽ có thêm 39.000 tỉ đồng. Thứ 3, thu ngân sách thiếu bền vững, thất thu do DN khó khăn, nguồn thu hoạt động giao dịch đất đai tăng nhanh, thu từ chứng khoán… khó mà ổn định.
|
Tháo gỡ khó khăn, phục hồi sau dịch
Bàn thêm về giải pháp chuyển đổi mô hình chống dịch, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đề xuất Chính phủ cần tăng cường chi tiêu tài khóa nhiều hơn nữa. “Gói hỗ trợ cho phục hồi 2 năm tới thứ nhất là vượt khó, thứ 2 là bắt nhịp đà phục hồi của thế giới, và thứ 3 là nắm bắt xu hướng lớn của thế giới như tiêu dùng, lối sống và cuộc Cách mạng 4.0, năng lượng tái tạo”, ông Thành lưu ý.
Hiện nay, theo ông Thành, khó khăn lớn nhất đối với các DN (đặc biệt ở khu vực phía nam) là họ đang rất băn khoăn với mô hình, khuôn khổ chống dịch của Chính phủ để có thể chủ động quay lại sản xuất. Đối với vấn đề lao động, thực sự đang trở thành “đại sự cho cả nước mắt và lâu dài". Nhiều DN cho biết họ ít nhất phải mất 2 năm mới thu hút được lao động quay lại. Cuối cùng là vấn đề cạn kiệt dòng tiền, DN cần phải được hỗ bằng gói tài khóa, hỗ trợ lãi suất.
Về giải pháp cụ thể hơn, TS Cấn Văn Lực đại diện cho nhóm nghiên cứu của BIDV, kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo với tổng giá trị bổ sung khoảng gần 40.000 tỉ đồng (0,62% GDP năm 2020), chưa kể giá trị các gói hỗ trợ hiện tại có thể còn gia tăng khi được điều chỉnh, gia hạn.
Gói này cần mở rộng đối tượng hỗ trợ người lao động tới tất cả lao động phi chính thức (lao động tự do) với mức trợ cấp 1 triệu đồng/người với quy mô 29.300 tỉ đồng (khoảng 29,3 triệu người, chiếm 53,7% lực lượng lao động là lao động tự do), ngoài phần hỗ trợ riêng của các địa phương theo Nghị quyết 68.
Với gói hỗ trợ tiền điện, theo ông Lực, nên mở rộng đối tượng và giảm mạnh hơn cho người dân và DN, tương đương năm 2020 (khoảng 10.900 tỉ đồng). Theo đó, EVN có thể xem xét mở rộng đối tượng được giảm, với ngân sách giảm bổ sung khoảng 7.750 tỉ đồng.
Với gói hỗ trợ viễn thông, nên thiết thực hơn để nhiều người có thể tiếp cận và được hưởng, chẳng hạn nên giảm giá cước 20 - 30% trong 3 tháng, thay vì cách hỗ trợ bằng nâng cấp hạ tầng, khuyến mại cho một số đối tượng như hiện nay.
Một giải pháp nữa, theo TS Lực, NHNN tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng để họ có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Bên cạnh đó, sớm xây dựng chiến lược, kịch bản phòng, chống dịch trong điều kiện mới và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh “bình thường mới”; cần có các động lực tăng trưởng mới và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô nhằm chủ động tận dụng cơ hội phục hồi mạnh cũng như kiểm soát rủi ro.
Bình luận (0)