Cá chết đồng loạt bất thường ở Thừa Thiên - Huế vẫn là 'ẩn số'

17/09/2019 17:31 GMT+7

Đại Giang là dòng sông lớn chảy qua nhiều vùng ở thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế. Người nuôi cá lồng nơi đây liên tiếp hứng chịu các đợt cá chết bất thường những ngày vừa qua, nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn khổ.

 

Vợ chồng bà Lành là một trong những hộ nuôi cá lồng sớm trên sông Đại Giang từ khoảng 30 năm trước. Đến nay họ có 8 lồng nuôi với khoảng 4000 con loại cá trắm cỏ, cá mè, đã đạt trọng lượng 2 - 3 kg/con. Thế nhưng những ngày qua hầu hết cá đều chết đột ngột khiến họ thất thu khoảng 50 triệu đồng

ĐÌNH TOÀN

Người dân các xã vùng sông nước Đại Giang, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) chật vật chống chọi với nạn cá nuôi lồng chết đột ngột với tỷ lệ chết đến gần 100%

ĐÌNH TOÀN

Trước tình cảnh cá đồng loạt chết, người nuôi đành vớt bán đổ bán tháo cho thương lái mỗi kg khoảng 2.000 đồng (thay vì 40 - 50.000 đồng/kg loại cá trắm) để làm thức ăn cho gia súc gia cầm hay loài cá nuôi khác

ĐÌNH TOÀN

Trên dòng Đại Giang, tại xã Thủy Phù lân cận, hiện tượng cá chết hàng loạt cũng đã xảy ra những ngày qua khiến người nuôi phải bán đổ bán tháo vớt vát với giá mỗi kg chỉ vài ngàn đồng. Chính quyền nơi đây cho biết, toàn xã Thủy Phù thiệt hại hoàn toàn 120 lồng/120 lồng (18 tấn) ước thiệt hại quy ra tiền khoảng 720 triệu đồng

GIA HUY

Cá nuôi sắp thu hoạch xã Thủy Tân bị chết đại trà. Thống kê của UBND xã Thủy Tân, toàn xã thiệt hại khoảng 190 lồng/hơn 200 lồng (112,8 tấn), ước trị giá 1,920 tỉ đồng. Trong những năm gần đây, cá nuôi liên tục bị chết hàng loạt. Ngày 16.9, ông Nguyễn Tấn Hợp, Chủ tịch UND xã Thủy Tân cho biết, UBND xã đã kiến nghị lên cấp trên xem xét vận dụng hỗ trợ cho người nuôi để giảm bớt khó khăn

ĐÌNH TOÀN

Mặc dù giảm số lượng cá giống thả nuôi trên mỗi lồng, nhưng số lồng nuôi lại tăng lên nhanh trong những năm qua khiến nhà chức trách nghi ngờ tỷ lệ và quy cách nuôi chưa phù hợp, thiếu khoa học, là nguyên nhân dẫn đến việc cá chết hàng loạt trên sông Đại Giang

ĐÌNH TOÀN

Ông Võ Quý dẫn chứng là 15 lồng cá của ông thả nuôi trải dài trên khúc sông Đại Giang vừa sâu vừa rộng, thoáng; mật độ cá trong lồng thấp, khoảng cách các lồng cách xa hàng chục, thậm chí hàng trăm mét. Thế nhưng những ngày qua cá của ông vẫn chết khiến ông bị thiệt hại vài tấn cá. “Tôi mong cơ quan chức năng sớm có đánh giá khách quan, chính xác, xử lý những cá nhân, tổ chức làm ô nhiễm môi trường nếu có”, ông Qúy nói

ĐÌNH TOÀN

Ông Nguyễn Đắc Tập, Phó chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, cho biết các cơ quan chuyên môn thị xã đang phối hợp Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế thu thập mẫu, phân tích nhằm làm rõ nguyên nhân cá chết trên sông Đại Giang.
Theo ông Nguyễn Đắc Tập, nguyên nhân nguồn nước ô nhiễm từ các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (thị xã Hương Thủy là địa bàn trọng điểm về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên - Huế) được loại bỏ, do các khu này ở xa sông Đại Giang.
Vào cùng kỳ cách nay 2 năm, hiện tượng cá chết số lượng lớn cũng đã xảy ra trên sông Đại Giang. Nguyên nhân sau đó được nhận định do môi trường nước thay đổi, kèm theo mật độ nuôi dày nên làm cá chết.
“Rút kinh nghiệm, người dân đã giảm mật độ nuôi nhưng nay cá vẫn chết. Theo quy định hiện hành thì rất khó để hỗ trợ thiệt hại cá chết cho người nuôi, nhất là khu vực nuôi cá của bà con không nằm trong quy hoạch vùng nuôi cá lồng nước ngọt, tuy nhiên lãnh đạo thị xã cũng sẽ vận dụng hết sức để tìm kiếm phương án hỗ trợ, chia sẻ gánh nặng thiệt hại của người nuôi”, ông Nguyễn Đắc Tập chia sẻ.

Sau 130 tấn cá chết, người dân thắt lòng vét cá non bán


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.