Ca sĩ Phi Nhung và 'cơn bão cytokine'

29/09/2021 11:59 GMT+7

Theo đánh giá của bác sĩ điều trị, ca sĩ Phi Nhung nhiễm Covid-19 và bị cơn ' bão cytokine ' rất nặng. Khi lọc máu liên tục và dùng những màng lọc đặc hiệu thì có giảm, nhưng ngưng lọc thì 'cơn bão cytokine' bùng lên lại.

Tại Việt Nam, thuật ngữ “cơn bão cytokine” được biết đến nhiều hơn khi xuất hiện đại dịch Covid-19 vào đầu năm 2020. Người được nhắc đến đầu tiên và nhiều nhất thời điểm đó là bệnh nhân 91, phi công người Anh. Và rất nhiều bệnh nhân Covid-19 gặp phải “cơn bão cytokine”, trong đó có ca sĩ Phi Nhung.

Lý do ca sĩ Phi Nhung chưa tiêm vắc-xin được tiết lộ trong lễ cầu siêu

Vào tháng 4.2020, Sở Y tế TP.HCM cho biết hầu hết những bệnh nhân nguy kịch và tử vong do nhiễm Covid-19 đều không có biểu hiện lâm sàng nghiêm trọng trong giai đoạn đầu của bệnh, một số chỉ thấy có sốt nhẹ, ho hoặc đau nhức cơ. Những bệnh nhân này đột ngột xấu đi ở giai đoạn sau của bệnh hoặc đang trong quá trình hồi phục với sự xuất hiện của Hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) và suy đa tạng xảy ra nhanh chóng, dẫn đến tử vong trong một thời gian ngắn.

“Cơn bão cytokine” là gì?

TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết trong bất cứ loại bệnh nào cũng có thể xuất hiện “cơn bão cytokine”. Bất cứ bệnh nhiễm trùng nào mà không kiểm soát được đều dẫn đến “cơn bão cytokine”, sốc do sốt xuất huyết cũng là do "cơn bão cytokine”.
“Cytokine” là chất trong cơ thể mà khi một sinh vật lạ như vi rút, nấm hay vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, lúc này các tế bào miễn dịch nhận ra và chống đỡ lại sự tấn công. Trong quá trình chống đỡ, cơ thể tăng tiết ra các chất cytokine khác nhau, kêu gọi sự “hậu thuẫn” của các tế bào miễn dịch khác nhau đi tới chỗ bị nhiễm trùng để tập trung “giết tác nhân”, TS.BS Lê Quốc Hùng giải thích.
Cũng theo TS.BS Lê Quốc Hùng, những người có hệ miễn dịch hoạt động tốt thì miễn dịch sẽ không tăng quá mức. Còn những người có trục trặc trong hệ miễn dịch, có bệnh nền thì cơ địa yếu đi, miễn dịch không đáp ứng được khi cơ thể bị sinh vật lạ tấn công, thì khi miễn dịch tăng lên nhiều quá mức sẽ tấn công luôn các tế bào không bệnh dẫn đến tổn thương nhiều cơ quan.

Một bệnh nhân Covid-19 đang được lọc máu

NGỌC DƯƠNG

“Cơn bão cytokine” do vi rút gây ra trong giai đoạn đầu 7 - 10 ngày bệnh nặng. 2 - 3 tuần sau, vi rút bị chết đi nhưng hậu quả của “cơn bão cytokine” làm tổn thương các cơ quan, nhiễm trùng, là nguyên nhân chính gây ra ARDS… Ca sĩ Phi Nhung tử vong là do biến chứng của bệnh để lại sau “cơn bão cytokyne” do vi rút Covid-19, đó là tắc mạch, viêm phổi, phổi không hồi phục”, TS.BS Lê Quốc Hùng giải thích.

"Bão cytokine" tấn công các bệnh nhân Covid-19 trẻ tuổi ở TP.HCM

Ngăn chặn “cơn bão cytokine” ra sao?

Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, trong điều trị bệnh nhiễm, đặc biệt là Covid-19 thì trong giai đoạn đầu ngăn chặn để không xảy ra cơn “cơn bão cytokine”. Ở đầu mùa dịch, trong điều trị sử dụng và loại vũ khí, trong đó có sử dụng corticoid liều cao.
Về sau, sử dụng các loại thuốc ngăn chặn vi rút Covid-19 tấn công tế bào, sử dụng kháng thể đơn dòng, huyết tương người khỏi bệnh, lọc máu liên tục để giảm nồng độ cytokine. Mỗi loại bệnh khác nhau sẽ có cách ngăn chặn "cơn bão cytokine" khác nhau.
Trên thế giới có đến 15 loại thuốc, giải pháp đồng thời điều trị bệnh nhân Covid-19 khi xảy ra “cơn bão cytokine”, trong đó có ghép tế bào gốc. Tại Việt Nam, ECMO (tim phổi nhân tạo) là phương pháp được ứng dụng trên bệnh nhân Covid-19 nặng có hiệu quả, cứu được nhiều bệnh nhân.
“ECMO (tim, phổi nhân tạo) không phải điều trị “cơn bão cytokine” mà điều trị chung cho tất cả bệnh nhân ở giai đoạn cuối do tổn thương các cơ quan mà quan trọng nhất là phổi và tim. Đây là phương pháp lọc máu, cung cấp ô xy, bơm mạch như tim bình thường để nuôi dưỡng cơ thể khi các cơ quan hư hại”, TS.BS Lê Quốc Hùng nói.

Ca sĩ Phi Nhung qua đời sau hơn 1 tháng điều trị Covid-19

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy có thời điểm khoảng 20% bệnh nhân Covid-19 tử vong là người trẻ dưới 35 tuổi. Hầu hết các bệnh nhân này đều xuất hiện “cơn bão cytokine”. TS.BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng khoa Cấp cứu , Bệnh viện Bạch Mai, Phụ trách Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 - Bệnh viện dã chiến số 16 (Q.7, TP.HCM), cho biết: "Những người trẻ thì "cơn bão cytokine "mạnh và dữ dội hơn những người lớn tuổi rất nhiều. Do đó, khi bệnh nhân được chuyển tới, ngay từ giai đoạn đầu khi diễn biến bệnh còn ở mức ranh giới chuyển nặng, chúng tôi đã thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán sớm và chỉ định điều trị “cơn bão cytokine" sớm. Điều đó đem lại nhiều hy vọng bệnh nhân sẽ có kết quả tốt". 
Ca sĩ Phi Nhung nhiễm Covid-19 vào giữa tháng 8.2021 và nhập viện Bệnh viện Gia An 115. Đêm 26.8, ca sĩ Phi Nhung được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng hôn mê, đặt nội khí quản thở máy, ô xy cao, huyết áp tụt... Trong đêm, bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành lọc máu để giải quyết “cơn bão cytokine”. Tuy nhiên, “cơn bão cytokine” bùng phát liên tục. Mặc dù ca sĩ Phi Nhung đã âm tính với Covid-19 sau 2 lần xét nghiệm nhưng “cơn bão cytokine” đã làm cho nữ ca sĩ viêm hệ thống do nhiễm trùng có suy đa cơ quan. Sau 1 tháng dồn sức điều trị với nhiều biện pháp thở máy, lọc máu, ECMO, thuốc men… nhưng ca sĩ Phi Nhung đã ra đi vào trưa 28.9 tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.