Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao chiều nay, 3.12, trước việc Thủ tướng đã có chỉ đạo tạm dừng các chuyến bay thương mại do TP.HCM xuất hiện các ca bệnh Covid-19 ngoài cộng đồng, phóng viên đã đặt câu hỏi với Người phát ngôn Bộ này về việc các chuyến bay đưa công dân Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài về nước tới đây sẽ thực hiện ra sao?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Trước những diễn biến mới nhất của dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, theo chỉ đạo của Thủ tướng chiều 1.12 vừa qua, thời gian tới, cơ quan chức năng tạm thời chưa tổ chức những chuyến bay thương mại đưa người Việt về nước theo phương thức tự nguyện, tự trả phí cách ly”.
Trước đó, theo bà Hằng, với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", thời gian qua, các cơ quan chức năng Việt Nam, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài đã phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không để tổ chức nhiều chuyến bay đưa người Việt mắc kẹt ở nước ngoài về nước, với tần suất phù hợp với điều kiện, năng lực cách ly của Việt Nam.
Tính tới thời điểm này, đã có hơn 240 chuyến bay được tổ chức, đưa hơn 66.000 công dân từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước, theo bà Hằng.
Liên quan đến phản ánh tiêu cực trong việc tổ chức các chuyến bay thương mại, như việc một số người Đài Loan nhập cảnh vào Việt Nam bằng chuyến bay thuê bao (charter) phản ánh khi vào đến nơi cách ly tự nguyện đều phải nộp 1 khoản phí “bôi trơn", báo chí cũng đề nghị Người phát ngôn nêu quan điểm.
Về vấn đề này, bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu kép (vừa chống dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế), cùng với nỗ lực đưa công dân Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn từ nước ngoài về nước, Việt Nam cũng mở cửa cho các chuyên gia, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Trong thời gian vừa qua, các cơ quan liên quan của Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao và thân nhân của họ vào Việt Nam bằng nhiều biện pháp, như thu xếp các chuyến bay tới Việt Nam, tổ chức hoạt động cách ly theo yêu cầu.
Những hành vi trục lợi, tiêu cực, làm thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay, cần bị lên án, trừng trị nghiêm khắc, theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao.
Tại họp báo, nhiều phóng viên báo chí phản ánh về việc nhận được thư phàn nàn của người dân về tình trạng “cò” bán vé bay về Việt Nam tại “chợ đen” ở Hàn Quốc, và đặt câu hỏi: Tình trạng này đã được báo cáo chưa? Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc có biện pháp gì xử lý chuyện tiêu cực này?...
Bà Lê Thị Thu Hằng xác nhận Bộ Ngoại giao đã nhận được thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc liên quan đến phản ánh của người dân về một số vấn đề phát sinh trong các chuyến bay theo hình thức tự nguyện và tự trả phí cách ly. Bộ Ngoại giao đã trao đổi, thông tin tới các cơ quan chức năng Việt Nam về hiện tượng này.
Theo đó, Bộ GTVT sẽ phối hợp cùng Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng xác minh thông tin, làm rõ vụ việc nếu có và xử lý các vi phạm nếu có một cách nghiêm minh, bà Hằng khẳng định.
Bình luận (0)