Cách ly toàn xã hội, đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân

01/04/2020 06:59 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành chỉ thị yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1.4.2020 trên phạm vi toàn quốc

Thủ tướng nhấn mạnh việc cách ly toàn xã hội mới chỉ dừng lại ở việc thuyết phục, vận động nhân dân tự giác chấp hành, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình. Chính phủ chưa tính đến việc phong tỏa các TP lớn.

Thủ tướng: “Cách ly toàn xã hội mới dừng ở mức vận động, thuyết phục”

Ngày 31.3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, một trong những nội dung đáng chú ý nhất của chỉ thị là “yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1.4.2020 trên phạm vi toàn quốc”, theo nguyên tắc “gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh”. Người lao động tại phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Khu vực Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vẫn đang được cách ly nghiêm ngặt

Ảnh: Trần Cường

Hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà

Chỉ thị yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các yêu cầu, biện pháp phòng chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng; người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.
Bộ Y tế, Bộ Công an, UBND TP.Hà Nội, UBND TP.HCM phải thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các “ổ dịch” tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), quán bar Buddha (TP.HCM). Bộ Công an phối hợp với ngành y tế lập danh sách những người liên quan đến các hoạt động của Công ty Trường Sinh có nguy cơ lây nhiễm để theo dõi y tế, giám sát, cách ly, xử lý nhanh triệt để các nguồn lây dịch bệnh.
Các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở; tăng cường tổ chức họp trực tuyến. Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.
Cách ly toàn xã hội, đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân

Nguồn: Tổng hợp

Đồ họa: Hồng Sơn

Việt Nam có 212 bệnh nhân nhiễm virus corona sau khi công bố 5 ca mới

Dừng giao thông công cộng

Bộ GTVT, UBND các tỉnh, TP chỉ đạo cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng. Hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.
Thủ tướng yêu cầu tạm thời đóng cửa các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ dành cho người qua lại từ 0 giờ ngày 1.4 trên tuyến biên giới với Lào và Campuchia. Kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế trên các tuyến biên giới đường bộ; tất cả người nhập cảnh từ Lào, Campuchia đều phải cách ly tập trung 14 ngày.
Bộ Công thương, UBND các địa phương chú ý bảo đảm hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân.

Chưa tính đến việc phong tỏa các TP lớn

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ chiều cùng ngày, Thủ tướng khẳng định, các giải pháp mới nhất (theo Chỉ thị 16 vừa ban hành) mang tính “tiền khẩn cấp”, là để giãn cách xã hội. "Việc cách ly toàn xã hội mới chỉ dừng lại ở việc thuyết phục, vận động nhân dân tự giác chấp hành, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình. Chính phủ chưa tính đến việc phong tỏa các TP lớn", Thủ tướng giải thích.
Trao đổi thêm với Thanh Niên chiều qua, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho rằng đây là biện pháp cao hơn, để chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp nhưng không phải là yêu cầu phong tỏa đất nước. “Chỉ thị nhằm tiếp tục đưa ra các giải pháp mạnh để hạn chế tiếp xúc đông người, ngăn ngừa nguy cơ lây bệnh nhưng chưa phải là lệnh cấm người dân ra đường. Bởi cách ly là biện pháp quan trọng để chống lây chéo, lây lan trong cộng đồng”, ông Dũng nói. Theo ông Dũng, các cửa hàng bán đồ thiết yếu vẫn hoạt động. Các nhà máy vẫn sản xuất nhưng phải có phương án bảo vệ công nhân, người lao động. Xe cá nhân vẫn đi từ Hà Nội về các tỉnh lân cận nhưng phải thật cần thiết, nếu không người dân không nên rời khỏi nhà, nơi đang cư trú.
Về danh mục các nhà máy, cửa hàng thiết yếu mở cửa, theo ông Dũng, sẽ do chủ tịch UBND tỉnh, TP lên danh mục, nhưng tinh thần là bán hàng thiết yếu như xăng dầu, gạo, thực phẩm sẽ mở cửa liên tục.

Cách ly toàn xã hội 15 ngày kể từ 0 giờ 1.4

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.