Cách ly tự nguyện phải tuân thủ quy định về xét nghiệm

13/09/2020 05:54 GMT+7

Theo ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cần đặc biệt tuân thủ quy định người được cách ly chỉ được rời khu cách ly tự nguyện sau khi đã có đầy đủ các kết quả xét nghiệm theo quy định.

Ngày 12.9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên cho biết: “Trên cơ sở đăng ký tự nguyện của khách sạn (KS) và đáp ứng đủ điều kiện, UBND tỉnh, TP hoặc ban chỉ đạo (BCĐ) của tỉnh, TP ra quyết định thành lập cơ sở cách ly tập trung tại KS. KS, khu nghỉ dưỡng đăng ký tự nguyện là cơ sở cách ly, chỉ phục vụ mục đích cách ly phòng, chống Covid-19, không phục vụ mục đích khác”.
Bộ Y tế hướng dẫn đối tượng cách ly tự nguyện là người đang thực hiện cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung có nguyện vọng chuyển sang cách ly tập trung tại KS ở trên cùng địa bàn và tự nguyện chi trả chi phí lưu trú, các dịch vụ liên quan của KS; người được phân luồng phải cách ly y tế tập trung tại cửa khẩu, sân bay có nguyện vọng cách ly tập trung tại KS và tự nguyện chi trả chi phí lưu trú, các dịch vụ liên quan của KS. Người cách ly tự nguyện cần cách ly 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh, hoặc từ ngày tiếp xúc lần cuối với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm (tính cả thời gian cách ly tại cơ sở cách ly tập trung).
Chuyên gia của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết nơi tiếp nhận người cách ly tự nguyện cần phối hợp với lực lượng công an, dân phòng địa phương thiết lập trạm gác. Phòng ở cho người được cách ly không bố trí nằm chung giường; các giường phải đặt cách nhau tối thiểu 1 m trở lên. Phòng phải đảm bảo thông thoáng, tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ (nếu có), hạn chế dùng điều hòa (nếu dùng thì để nhiệt độ trên 26°C và tăng cường thông gió). Người cách ly được đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần (sáng, chiều)/ngày và tự theo dõi sức khỏe hằng ngày. Cần thông báo cho lễ tân hoặc cán bộ y tế ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt hoặc ho, đau họng, khó thở.
Ngoài ra, KS cần tối thiểu 2 phòng ở dự trữ trong trường hợp khẩn cấp để thực hiện khám bệnh; 1 phòng để chuyển người được cách ly gặp sự cố hoặc bị sốt hoặc ho, khó thở (khi cần). KS cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly thông qua camera hoặc giám sát trực tiếp. Thông báo với công an, dân phòng địa phương để cưỡng chế nếu người được cách ly không tuân thủ yêu cầu cách ly y tế. Không cho phép người được cách ly ra khỏi phân khu cách ly.
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, lưu ý: “KS cần lập danh sách người đã hoàn thành cách ly tại KS và gửi BCĐ để xác nhận và cấp phiếu xác nhận hoàn thành cách ly y tế tập trung. Cần đặc biệt tuân thủ quy định người được cách ly chỉ được rời khu cách ly tự nguyện sau khi đã có đầy đủ các kết quả xét nghiệm theo quy định”.

10 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng

BCĐ quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết ngày 12.9, không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới. Hiện, 10 ngày liên tiếp cả nước không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Trong số 1.060 ca mắc từ đầu dịch tại VN, có 691 ca do lây nhiễm trong nước; 910 ca điều trị khỏi; 35 ca tử vong. Ngày 12.9, thêm 8 bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam và Trung tâm y tế Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) được công bố khỏi bệnh.
Việt Nam cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc nhưng có thể tiếp tục có ca mắc trong cộng đồng, đặc biệt trong thời gian tới khi chúng ta sẽ tiếp tục mở cửa, đón khách nhập cảnh. Các địa phương cần tăng cường chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch.
Liên Châu 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.