(TNO) “Nếu nâng lương, công chức thành nghề béo bở, mọi người đổ xô vào sẽ không tránh khỏi việc chạy chọt, sẽ làm tăng biên chế. Lương thấp, thì công chức làm việc không hết mình, không thu hút được nhân tài, mà chỉ là những người thích ăn bám, an phận”, tiến sĩ Võ Trí Hảo, khoa Luật, Đại học Kinh tế TP.HCM nói.
Một trong những nhiệm vụ cốt lõi, then chốt của chính quyền, theo quan điểm của Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải là phải tập trung hành động để hướng đến và hoàn thiện nền hành chính công phụng sự người dân, doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online xung quanh, tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng công vụ thực chất là dịch vụ công mà cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm, nghĩa vụ giải quyết, phục vụ tốt yêu cầu của người dân. Do đó, cán bộ, công chức phải tận tụy, chứ không phải giải quyết công vụ theo tư tưởng ban phát.
“Giải bài toán” này, theo tiến sĩ Trần Du Lịch, yêu cầu thứ nhất đặt ra là đối với cán bộ, công chức phải được
làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của từng người, biết rõ bổn phận mình phải làm gì. Thứ hai, cán bộ, công chức phải mẫn cán với công vụ, xem thực hiện công vụ là nhiệm vụ bắt buộc và đương nhiên phải thực thi với kết quả tốt nhất theo yêu cầu của người dân, tạo sự hài lòng cho người dân.
|
Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng chúng ta tiến hành cải cách hành chính mà không “cải cách” chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cán bộ, công chức chưa “nằm lòng” tinh thần "phụng sự nhân dân" thì sẽ không mang lại hiệu quả, bởi lẽ mọi thủ tục đều trải qua sự giải quyết của con người.
Đồng tình với quan điểm trên, tiến sĩ Võ Trí Hảo, khoa Luật, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, lâu dài hơn nữa phải xây dựng hệ thống pháp luật bầu cử sao cho nếu cán bộ, công chức chỉ làm việc cho có, không có tinh thần phụng sự, thì người đứng đầu cơ quan, địa phương đó sẽ mất chức bởi chính lá phiếu của người dân, mà không cần trông chờ vào biện pháp kỷ luật từ cơ quan nào cả.
Theo tiến sĩ Võ Trí Hảo, kỷ luật, trách nhiệm pháp lý chủ yếu có tác dụng với người làm sai; ít có tác dụng với người làm biếng; mà lá phiếu thực chất mới hữu dụng trong việc đuổi “công bộc của dân”.
Tiến sĩ Võ Trí Hảo cũng đưa ra những “lời giải” để thoát vòng luẩn quẩn mà chúng ta đang gặp phải.
Nếu nâng lương công chức; công chức thành nghề béo bở, nhàn hạ; mọi người đổ xô vào công chức sẽ không tránh khỏi việc mua bán, chạy chọt. Và sớm muộn gì sẽ làm tăng biên chế công chức, khi lương cao mà không có giải pháp mới để ràng buộc trách nhiệm.
Nếu nâng lương công chức; công chức thành nghề béo bở, nhàn hạ; mọi người đổ xô vào công chức sẽ không tránh khỏi việc mua bán, chạy chọt. Và sớm muộn gì sẽ làm tăng biên chế công chức, khi lương cao mà không có giải pháp mới để ràng buộc trách nhiệm.
Nếu lương thấp, thì công chức làm việc không hết mình; không thu hút được người tài năng, mà chỉ là những người thích ăn bám, thích an nhàn, an phận.
Đi giải quyết thủ tục hành chính, người dân hoàn toàn có quyền đòi hỏi được cán bộ, công chức phục vụ chu đáo, tận tình - Ảnh: Tân Phú
|
Theo đề xuất của tiến sĩ Võ Trí Hảo, chúng ta nên thực hiện định lượng khối lượng công việc, dựa vào số hồ sơ giải quyết hàng năm. Quỹ lương được cấp căn cứ trên số lượng hồ sơ, công việc đã giải quyết năm trước đó.
Đồng thời, chuyển chế độ trả lương theo thâm niên sang trả lương theo chức vụ (khối lượng, vị trí, tính chất công việc phụ trách); khuyến khích cạnh tranh giữa các địa phương; cho phép công dân, doanh nghiệp lựa chọn nơi nộp hồ sơ. Nơi nào giải quyết nhanh nhất, thuận tiện nhất thì họ nộp. Địa phương, cơ quan nào không được tín nhiệm sẽ bị sụt giảm số hồ sơ giải quyết; sẽ bị cắt quỹ lương.
|
Về lâu dài, mức lương trong khu vực công và khu vực tư cần phải lưu thông, tương đương thì mới thu hút được người tài. Singapore trả lương cho bộ trưởng bằng cách lấy lương của 6 CEO hưởng lương cao nhất trong 6 lĩnh vực ngành nghề khác nhau, cộng lại, chia trung bình. Tức họ nhìn nhận với tài năng của một bộ trưởng không kém gì một CEO đầu ngành thì phải được đãi ngộ tương xứng.
Các giải pháp này, nếu thực hiện trên quy mô lớn rất khó. Do vậy có thể thí điểm trước, và lấy tinh thần xung phong. Bộ ngành, địa phương nào đáp ứng được một số chỉ tiêu nhất định thì được phép áp dụng chế độ lương mới. Các bộ ngành còn lại, không muốn khoác các tiêu chuẩn khắt khe, thì tiếp tục áp dụng chế độ lương cũ.
Trong các đợt giám sát của HĐND TP.HCM, nhiều cử tri đã bày tỏ bức xúc vì bị hành, có hiện tượng “bôi trơn” khi làm hồ sơ nhà đất, xin cấp phép xây dựng, thời gian giải quyết hồ sơ bị chậm trễ, thủ tục không minh bạch khiến người dân và doanh nghiệp phải chạy chọt, bỏ tiền ra thuê dịch vụ làm…
Có những nơi còn gây phiền hà khiến người dân phải đi tới đi lui nhiều lần. Vẫn còn tình trạng thái độ cán bộ, công chức hách dịch, thậm chí nhũng nhiễu, gây khó dễ, nói năng thiếu lễ độ, tác phong còn chậm chạp, hướng dẫn chưa rõ ràng, cụ thể.
Từ thực trạng “nhức nhối” này, tại phiên bế mạc hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa 9 vào ngày 2.7 vừa qua, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu cần phải chấm dứt ngay. Ông cũng đưa ra mệnh lệnh cán bộ, công chức của thành phố tuyệt đối không được làm việc theo kiểu cho có và không được có tư tưởng “mọi thứ đã an bài”; giải quyết công vụ trên tinh thần "phụng sự nhân dân".
|
Bình luận (0)