Cán bộ nhà nước thu nhập 8 triệu, đưa vợ 10 tỉ lập công ty thì ai bị xử lý?

31/05/2019 16:46 GMT+7

Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán tòa tối cao đã hướng dẫn cơ quan tố tụng nhận diện rõ về các hành vi rửa tiền và hướng xử lý triệt để.

Theo Nghị quyết số 03/2019 của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn áp dụng điều 324 của bộ luật Hình sự về tội rửa tiền được Tòa án nhân dân tối cao công bố ngày 31.5, thì tiền, tài sản do phạm tội mà có là tiền, tài sản có được từ hành vi phạm tội. Việc xác định hành vi phạm tội được căn cứ qua bản án, quyết định của tòa án; tài liệu, chứng cứ do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc các tài liệu, chứng cứ khác.
Nghị quyết cũng nêu rõ, để quy kết hành vi "biết tiền do người khác phạm tội mà có" trong tội rửa tiền, cơ quan chức năng sẽ căn cứ việc người phạm tội trực tiếp biết; qua các phương tiện thông tin đại chúng (hành vi phạm tội của người thực hiện tội phạm nguồn đã được báo, đài phát thanh, truyền hình đưa tin) hay bằng nhận thức thông thường...
Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao còn nêu ví dụ cụ thể: biết chồng là nhân viên của cơ quan nhà nước có mức lương 8 triệu đồng mỗi tháng và không có nguồn thu nhập nào khác nhưng vợ vẫn nhận của chồng số tiền 10 tỉ đồng để góp vốn vào doanh nghiệp mà không hỏi rõ nguồn tiền, thì người vợ này đã có dấu hiệu phạm tội rửa tiền.
Nghị quyết còn nêu rõ về tội phạm nguồn, là tội phạm được quy định trong bộ luật Hình sự và tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng của tội rửa tiền với rất nhiều tội danh khác như như: giết người, trộm cắp tài sản, buôn lậu, trốn thuế, mua bán trái phép chất ma túy, tham ô tài sản, nhận hối lộ;…
Hành vi phạm tội nguồn có thể do công dân Việt Nam, pháp nhân thương mại Việt Nam, người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam thực hiện trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền có thể được tiến hành đồng thời với việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn và không loại trừ việc truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm nguồn.
Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, nghị quyết của Hội đồng thẩm phán có nhiều điểm mới, làm sáng tỏ thêm quy định về tội rửa tiền như hướng dẫn về tội phạm nguồn, địa vị pháp lý. Trong đó, bộ luật Hình sự cho phép xử lý tội phạm trong lãnh thổ thì nghị quyết cho phép xử lý tội phạm này cả ngoài lãnh thổ, tức là những trường hợp người nước ngoài phạm tội ở nước ngoài và mang tiền vào Việt Nam để rửa cũng bị xử lý.
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 7.7.2019.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.