Cận cảnh 27 ha rừng tan nát vì khai thác gỗ tận thu

24/04/2020 22:27 GMT+7

Đơn vị khai thác tràn lan, xé rừng tan nát không theo đúng quyết định của UBND tỉnh Bình Dương đã quy định là phải khai thác theo hình thức cuốn chiếu, đúng thứ tự lô, không bỏ lại gỗ trong hiện trường…

Ngày 24.4, liên quan đến vụ khai thác gỗ tận thu tại 27 ha rừng trồng trong khu di tích lịch sử chiến khu Đ (xã Đất Cuốc, H.Bắc Tân Uyên, Bình Dương), PV Thanh Niên tiếp tục phát hiện nhiều tình tiết cho thấy đơn vị trúng thầu đã vi phạm quyết định của UBND tỉnh Bình Dương, khiến rừng tan nát.

Cành cây khô ngay tấm bia của khu di tích.

Ảnh: Đỗ Trường

Theo quyết định ngày 28.8.2019, UBND tỉnh Bình Dương đã nêu rõ một số quy định trong quá trình khai thác. Tuy nhiên, đơn vị trúng thầu, khai thác đã không thực hiện đúng quyết định của UBND tỉnh Bình Dương với lý do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Khu rừng bị xẻ tan hoang.

Ảnh: Đỗ Trường

Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu khai thác theo hình thức cuốn chiếu, đúng thứ tự lô đã thiết kế trên bản đồ và ngoài thực địa. Hạ cây bằng cưa xăng, chặt sát gốc để tận thu gỗ và thuận tiện trong khâu vệ sinh rừng.

Đơn vị quản lý rừng giải thích do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa kịp thu gom gỗ.

Ảnh: CTV

Đáng chú ý, trong quyết định của UBND tỉnh Bình Dương nêu rõ: Trong quá trình chặt hạ, cắt khúc phải tận dụng gỗ tối đa, không bỏ lại gỗ tại hiện trường. Khai thác đến đâu phải vận chuyển hết gỗ về tập kết ở bãi gỗ và sắp xếp gọn gàng để dễ nghiệm thu. Thu dọn cành nhánh để phòng cháy rừng

Gỗ để tràn lan khắp khu rừng.

Ảnh: Đỗ Trường

Tuy nhiên, thực tế tại hiện trường cho thấy, đơn vị thu mua đã làm gần như ngược lại, mặc dù Bảo tàng Bình Dương (đơn vị được giao quản lý Khu di tích) cho biết đã lập biên bản vi phạm, nhưng đơn vị này chưa ký biên bản.

Đại diện Bảo tàng Bình Dương nói thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình khai thác.

Ảnh: Đỗ Trường

Đại diện Bảo tàng Bình Dương cũng khẳng định thường xuyên kiểm tra giám sát, nhưng rồi rừng vẫn bị cắt xé tan nát bởi quá trình chặt hạ và kéo gỗ ra khỏi rừng. Gỗ vẫn chất ngổn ngang, cành lá, củi khô vẫn bừa bộn trong rừng.

Gỗ vẫn chất đống.

Ảnh: Đỗ Trường

Đáng nói là quá trình đấu giá thu mua gỗ ở đây, chỉ có 2 cá nhân tham gia giá khởi điểm là gần 976 triệu đồng. Sau đó, một cá nhân trả giá là 978 triệu đồng và ông Nguyễn Huy Hoàng (35 tuổi, ngụ Bình Định) đã trúng đấu giá với số tiền 980 triệu đồng cho việc thu mua trên 1.299m3 gỗ thương phẩm keo tai tượng.

Rừng tan hoang

Ảnh: Đỗ Trường

Như Thanh Niên đã thông tin, 27 ha rừng trồng nằm trong Khu di tích lịch sử chiến khu Đ đang trong quá trình khai thác lấy gỗ tận thu khiến cho rừng tan nát, nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại và thu gom, vệ sinh phòng chống cháy rừng theo quyết định của UBND tỉnh Bình Dương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.