Trong khi đó, các luật sư đề nghị quy định về điều kiện khi lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng của Bộ Công an tiếp cận thông tin người dùng của doanh nghiệp cần được làm rõ.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, cho biết quan tâm lớn nhất của ông là điều 24 của dự thảo nghị định (NĐ) quy định dữ liệu phải lưu trữ ở VN với 19 trường thông tin khác nhau. “Hiện nay, lưu trữ thông tin cá nhân do các nhà mạng quản lý. Theo pháp luật VN, thì các doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn phải cung cấp, nhưng còn các nhà mạng nước ngoài như Facebook, Google, YouTube… họ có phải tuân thủ hay không, khi mà mình còn những cam kết theo luật pháp quốc tế khi hội nhập. Tại Mỹ, ngay Facebook họ cũng chỉ cung cấp theo lệnh của tòa án trong những trường hợp cụ thể thôi”, ông Thắng nói.
Vị chuyên gia này cũng chia sẻ, là người sử dụng mạng xã hội ông vẫn cung cấp các thông tin cá nhân bình thường cho nhà cung cấp dịch vụ, song việc kiểm soát thông tin này phải có những điều khoản cụ thể, từng trường hợp phải được quy định rõ ràng trong luật. “Tôi nghĩ rằng, ai cũng có quyền bảo mật thông tin cá nhân, còn những thông tin đó nếu phải cung cấp qua nhà mạng hay qua cơ quan quản lý phải có những quy định cụ thể theo điều luật chứ không phải cơ quan này muốn là được. Việc quản lý là cần thiết, nhưng chúng ta nên tập trung vào các đối tượng tuyên truyền chống phá, kích động bạo lực, buôn bán trẻ em… hơn là những người dùng mà họ thể hiện chính kiến, quan điểm của mình về các vấn đề trong xã hội”, ông Thắng đề xuất.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư, ủng hộ việc cần phải kiểm soát thông tin trên mạng xã hội như Facebook, Google, YouTube… song việc kiểm soát như thế nào trong dự thảo NĐ phải làm rõ. Bên cạnh đó, ông Doanh cũng cho rằng hiện nay có rất nhiều thông tin trên mạng xã hội, vấn đề ở chỗ thông tin đó vừa có lợi vừa có hại. Làm sao để quy định kiểm soát được thông tin độc hại, thông tin kích động, bạo lực trong khi không hạn chế người dân góp ý chính kiến, quan điểm của mình với những vấn đề của xã hội mang tính xây dựng.
Chỉ tiếp cận thông tin người dùng khi phải điều tra
Trước câu hỏi khi DN phải lưu trữ toàn bộ thông tin về người dùng VN cũng như thông tin do người dùng tạo ra, cùng mối quan hệ của người sử dụng được lưu trữ tại VN thì ai sẽ chịu trách nhiệm khi xảy ra lộ lọt thông tin cá nhân, thành viên tổ biên tập xây dựng NĐ cho hay, trong luật An ninh mạng đã có một điều về bảo vệ thông tin cá nhân, quyền riêng tư của cá nhân. Còn đối với lực lượng chuyên trách an ninh mạng thì tại khoản 2, điều 26 luật An ninh mạng cũng đã quy định rất rõ chỉ khi nào có dấu hiệu vi phạm pháp luật, phải điều tra thì mới đề nghị cung cấp thông tin để tiếp cận những thông tin này. “Cái này không phải lo vì chính quy định trong luật đã bảo vệ thông tin cá nhân của người dân”, vị này cho hay.
Tuy nhiên, theo luật sư Phạm Văn Phất, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, điều 9 luật An ninh mạng về xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng nêu rõ: người nào có hành vi vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Do đó, theo quy định tại khoản 2, điều 26 luật An ninh mạng thì việc “điều tra” ở đây phải là được hiểu là sau khi đã khởi tố vụ án hình sự vì không có khái niệm nào là “điều tra vi phạm hành chính”. Tuy nhiên, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng của Bộ Công an lại không phải cơ quan điều tra. Theo ông Phất đây là vấn đề cần phải làm rõ trong dự thảo NĐ.
Ý KIẾN
“Tôi sử dụng mạng xã hội Facebook như là kênh giải trí cá nhân, kết nối bạn bè, cập nhật tin tức. Nhưng thời gian gần đây, nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng mạng xã hội để đưa những thông tin không đúng sự thật nhằm câu like, câu view... Cho nên cũng cần quy định để kiểm soát thông tin xấu, thông tin độc”
Bà Nguyễn Thu Thủy (TP.HCM)
“Tôi cho rằng, người dân luôn ủng hộ việc thực thi và tuân thủ pháp luật, nhưng luật pháp phải tôn trọng quyền tự do, bí mật thông tin cá nhân của mỗi người. Tôi đồng tình là sẽ cung cấp thông tin đó cho nhà mạng, nhưng không phải anh muốn cung cấp là tôi cung cấp, phải có những điều khoản rõ ràng là tôi vi phạm cái gì, xâm phạm ai, ở đâu, như thế nào mới được yêu cầu lấy thông tin của tôi”
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
|
Bình luận (0)