Quản lý cán bộ trong lực lượng phòng, chống tội phạm vẫn sơ hở
Trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo phòng chống tội phạm (PCTP) năm 2018 tại Quốc hội (QH), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) QH Lê Thị Nga cho hay: Mặc dù tội phạm được kiềm chế trên nhiều lĩnh vực, nhưng lại gia tăng về số người chết do hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật (1.451 người chết, tăng 3,9%); một số loại tội phạm tăng như cướp tài sản tăng 5,1%, giết người tăng 3,9%, trong đó có một số vụ án giết nhiều người với thủ đoạn dã man, tàn bạo gây bức xúc, lo lắng trong xã hội.
|
UBTP nhận định có tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp (DN) đã móc ngoặc với cán bộ có chức vụ, quyền hạn tại một số địa phương để tạo các “nhóm lợi ích” hoặc lợi dụng công tác nghiệp vụ, các “tổ chức bình phong” nhằm dùng ảnh hưởng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại rất lớn cho nhà nước. Đáng chú ý, có những vụ việc liên quan đến một số sĩ quan công an, quân đội, lãnh đạo một số địa phương kéo dài trong nhiều năm, nhưng đến nay mới được phát hiện, xử lý, điển hình như vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), Đinh Ngọc Hệ (Út trọc)...
Đây là điểm Chính phủ cũng thừa nhận trong báo cáo của mình. Báo cáo cho hay: Qua các vụ án lớn đã xử lý cho thấy, các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng tạo ra các “nhóm lợi ích” hoặc móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và DN tạo “sân sau”, “công ty gia đình” dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu các dự án; thâu tóm đất công... gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Năm 2018, các cơ quan chức năng đã phát hiện 19.461 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (tăng 8,45% số vụ so với cùng kỳ 2017); 335 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ (tăng 30,35% số vụ so với cùng kỳ 2017).
Việc sử dụng vốn nhà nước đầu tư ra ngoài ngành của các DN nhà nước có nhiều sai phạm, gây thất thoát lớn tài sản. Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố 3 vụ án ở Tổng công ty PVC trong số 12 dự án, nhà máy thua lỗ của Bộ Công thương; Khởi tố 2 bị can Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch HĐTV Tổng công ty MobiFone và Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý DN Bộ TT-TT về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây thiệt hại đặc biệt lớn trong thương vụ mua 95% cổ phần AVG...
|
Trong 17 kiến nghị của mình, UBTP đề nghị Chính phủ “yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành chức năng có giải pháp mạnh để ngăn chặn tội phạm ngay trong chính các lực lượng chuyên trách về PCTP, đáp ứng yêu cầu đấu tranh PCTP và củng cố niềm tin của nhân dân”; chỉ đạo Bộ Công an, các ngành chức năng và chính quyền địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng “bảo kê” cho tội phạm.
“Tham nhũng vặt” đã thành nét văn hóa xấu xí
Báo cáo của Chính phủ khẳng định: Tham nhũng từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm. Đồng tình với nhận định này, song UBTP QH cũng nhấn mạnh: Tham nhũng vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay. Thảo luận sau đó, ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng, công tác PCTP năm 2018 có tốt hơn, mạnh hơn nhưng việc thuyên giảm thì chưa thể hiện rõ nét. “Ngay tại kỳ họp này có ĐBQH bức xúc nói rằng: Một bao cát bỏ trong hẻm, đổi 100 USD ở tiệm vàng cũng nhìn thấy mà nhà cao tầng, biệt phủ, biệt thự xây trái phép nhan nhản lại không ai thấy. Vậy đó là cái gì?”, ĐB Sơn đặt câu hỏi.
ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) nêu: “Tham nhũng vặt vẫn ngang nhiên tồn tại và thường tập trung trong các lĩnh vực, điển hình như y tế, giáo dục, vi phạm giao thông, hải quan, thuế, cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, đấu thầu, xây dựng, làm giấy tờ nhà đất, giải quyết các thủ tục hành chính ở bộ phận một cửa, trong tuyển dụng...” và đề nghị cần kiên quyết xử lý và siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng này.
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đề nghị cần tuyên truyền vận động làm thay đổi tư duy, thái độ của người Việt đối với tham nhũng vặt; công phá tư tưởng lợi ích nhóm; đẩy nhanh cải cách hành chính và tăng cường công khai minh bạch trong công tác cán bộ... coi đó như biện pháp thanh lọc bộ máy công quyền, tiến tới không còn tham nhũng vặt.
Nên có một án lệ trong vụ tài xế lùi xe trên cao tốc
Phát biểu tại hội trường chiều 13.11, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng vụ tài xế xe Innova lùi xe trên cao tốc đã trải qua 2 cấp xét xử nhưng vẫn tuyên phạt tài xế container 6 năm tù vì không đảm bảo khoảng cách an toàn để lại một vấn đề mang tính pháp lý. Không thể có một khoảng cách an toàn dành cho 2 chuyển động ngược chiều trên một làn, pháp luật cũng không có quy định nào về khoảng cách an toàn kiểu này. ĐB kiến nghị cần nghiên cứu kỹ để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, “chí ít là có một cái án lệ” với vụ việc này.
Sáng 13.11, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: Do đây không chỉ là một vụ án đơn thuần về pháp lý mà còn mang tính kỹ thuật, nên ngày 12.11, TAND tối cao đã tham vấn ý kiến chuyên môn cả về pháp luật của các cán bộ ở cơ quan điều tra, Viện KSND tối cao, các thẩm phán hình sự của TAND tối cao, và tham vấn cả về kỹ thuật giao thông. TAND tối cao sẽ yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ nghiên cứu kỹ hồ sơ khoảng 1 tuần. “Đây là vụ án vừa mang tính chất pháp lý nhưng cũng mang tính kỹ thuật rất cao nên những nhận định đánh giá không thuần túy chỉ về mặt luật lệ. Như vậy các kết luận rút ra phải đúng pháp luật nhưng cũng phải rất khoa học”, Chánh án nhấn mạnh.
|
Tranh luận về nguy cơ lọt tội phạm tham nhũng qua hoạt động kiểm toán
Báo cáo thẩm tra về báo cáo công tác PCTP năm 2018 của UBTP đánh giá việc kiến nghị xử lý hình sự qua hoạt động thanh tra, kiểm toán còn ít và dẫn chứng năm 2018, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 97.189,2 tỉ đồng nhưng chỉ chuyển 4 vụ việc sang cơ quan điều tra (CQĐT). UBTP cho rằng đây là hạn chế tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa được khắc phục. Cụ thể, năm 2016, kiến nghị xử lý sai phạm 14.781,9 tỉ đồng nhưng không chuyển vụ việc nào sang CQĐT; năm 2017 kiến nghị xử lý tài chính 39.738 tỉ đồng nhưng cũng chỉ chuyển 2 vụ việc sang CQĐT.
Tuy nhiên, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, đánh giá của UBTP là chưa công bằng. Theo ông Phớc, thời gian vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã có những đóng góp lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt ngăn chặn những sơ hở trong chính sách từ BT, BOT, đất đai, cổ phần hóa... Nhiều vụ việc khởi tố điều tra đều từ báo cáo của Kiểm toán Nhà nước. Ông Phớc đề nghị cần có sự đánh giá công bằng cũng như ủng hộ Kiểm toán Nhà nước có công cụ để hoàn thành nhiệm vụ vì hiện nay, Kiểm toán Nhà nước không có chức năng điều tra, không có chức năng xác minh khối tư nhân, chức năng giám định tư pháp về mặt tài chính, chức năng trả lời tố cáo...
Giải trình ở cuối phiên thảo luận, Chủ nhiệm UBTP QH Lê Thị Nga cho rằng, báo cáo của UBTP đã đánh giá rất công bằng và thận trọng, cân đối cả ưu nhược điểm. Theo bà Nga, với 97.000 tỉ đồng xử lý tài chính mà chỉ kiến nghị xử lý hình sự 4 vụ thì UBTP lo ngại sẽ bỏ lọt tội phạm vì với tội tham nhũng, 5 triệu đồng là đủ cấu thành tội hình sự, còn tội phạm kinh tế khác 50 triệu là cấu thành tội hình sự. Do đó, bà Nga cho rằng, UBTP không khẳng định là bỏ lọt tội phạm mà chỉ đề nghị Tổng kiểm toán Nhà nước tăng cường chuyển vụ việc sang CQĐT, chống bỏ lọt tội phạm.
|
Bình luận (0)