Hướng dẫn người dân tự test nhanh Covid-19
Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thanh Long ngày 31.7, ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho biết dù đã rất nỗ lực trong công tác phòng chống dịch Covid-19 nhưng thực sự Cần Thơ đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
Đầu tiên là công tác xét nghiệm, truy vết dịch Covid-19 còn chậm, chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Các khu phong tỏa mỗi ngày đều phát hiện ca nhiễm mới, công tác xét nghiệm truy vết rất khó khăn và tất cả các khu phong tỏa của Cần Thơ đến giờ chưa có khu vực nào được dỡ bỏ phong tỏa.
|
Cũng theo Bí thư Thành ủy Cần Thơ, khó khăn nữa là tốc độ lây lan của các ca F0 rất nhanh, trong khi đó, thời gian phát hiện các ca nhiễm khá trễ, trong đó trên 50% ca được phát hiện đã qua 6 ngày, 30% qua 9 ngày.
Nhận định về công tác truy vết ở Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng xét nghiệm mà mất tới 48 - 60 giờ mới có kết quả như ở Cần Thơ là quá chậm. Trong khi độ trễ trong phát hiện ca nhiễm lên tới 9 ngày nghĩa là đã qua 4 chu kỳ lây nhiễm.
|
Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng ngay bây giờ, Cần Thơ phải chuẩn bị cho kịch bản xấu hơn. Một trong những giải pháp khống chế dịch lây lan nhanh là phải xét nghiệm, test nhanh truy vết dịch. “Cần huy động tối đa lực lượng tham gia công tác lấy mẫu test nhanh. Test nhanh theo từng hộ gia đình, hướng dẫn người dân tự làm, miễn là có tập huấn cho họ”, Bộ Trưởng Bộ Y tế nói và cho rằng Cần Thơ nên triển khai test nhanh theo mẫu gộp 3 và xét nghiệm PCR làm theo mẫu gộp 5, thậm chí là nhiều hơn theo từng hộ gia đình.
Khi có kết quả, nếu dương tính, sẽ tiến hành phong tỏa hộ gia đình đó, có bảng để phía trước và lực lượng giám sát. Những khu vực phong tỏa không nên tập trung người dân lại để lấy mẫu mà chia nhỏ thành nhiều điểm nhỏ để lấy mẫu, càng nhanh càng tốt. “Tinh thần là khoanh vùng rộng, lấy mẫu nhanh, phong tỏa hẹp để bớt ảnh hưởng đến người dân”, Bộ trưởng Bộ y tế nói.
Xây dựng mô hình tháp 3 tầng và cách ly F0 ngoài cơ sở y tế
Riêng về điều trị cho bệnh nhân Covid-19, Bộ Trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Cần Thơ phải xây dựng mô hình tháp 3 tầng. “Tầng 1 dành cho những F0 không có triệu chứng hay triệu chứng nhẹ và nên sử dụng cở sở lưu trú kể cả khách sạn, khu cách ly để theo dõi. Tầng 2 sẽ là các cơ sở y tế điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 mức độ trung bình, cần rà soát lại để bố trí bồn oxy. Cuối cùng, tầng 3 tiếp nhận những bệnh nhân nhiễm Covid-19 diễn tiến rất nặng, thở máy. Tại đây cần tập trung nguồn lực để điều trị cho bệnh nhân. Tầng 1 càng rộng thì tầng 2, 3 sẽ đỡ vất vả. Và việc phân bổ như vậy giảm được rất nhiều áp lực lên các cơ sở y tế”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đang chuẩn bị đưa vào hoạt động Đơn vị Hồi sức tích cực 200 giường để điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng tại Đồng bằng sông Cửu Long đặt tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Sau đó, sẽ nâng dần quy mô lên 800 - 1.000 giường để phụ vụ cho bệnh nhân miền Tây.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ lập một tổ công tác đặc biệt vào Đồng bằng sông Cửu Long để trực tiếp hỗ trợ Cần Thơ cũng như các tỉnh trong khu vực trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Bình luận (0)