Bên cạnh việc đề nghị công an nhanh chóng điều tra, xử lý đối tượng dụ dỗ học sinh quay clip nhạy cảm qua Zalo, nhiều bạn đọc cũng lên tiếng cảnh báo về hậu họa khôn lường nếu “thả nổi” cho trẻ dùng điện thoại mà không có sự kiểm soát.
Như Thanh Niên thông tin, UBND TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đã chỉ đạo Công an TP.Biên Hòa, phối hợp với Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, cùng một trường tiểu học điều tra vụ việc học sinh (HS) của trường này bị người lạ lạm dụng, dụ dỗ quay clip nhạy cảm. Trước đó, ngày 5.4, một trường tiểu học có báo cáo gửi Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa về việc HS của trường bị kẻ lạ dụ dỗ quay clip nhạy cảm. Theo báo cáo, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4.2021, phụ huynh em N.P.Y.N (HS lớp 5) phát hiện em thường xuyên nhắn tin qua Zalo với một người. Người này xưng “cô T.” với em N.P.Y.N, đã vài lần mang trà sữa cho em. Trong quá trình nhắn tin, cô T. có yêu cầu em N.P.Y.N quay clip nhạy cảm lại gửi cho cô và dặn không được nói cho ai biết vì đây là “chương trình bí mật”, các tin nhắn trao đổi sau đó phải xóa hết. Trưa 2.4, thấy em N.P.Y.N vào phòng khóa cửa và nhắn tin với ai đó, phụ huynh của em nghi ngờ gặng hỏi cuối cùng em N.P.Y.N kể lại sự việc. Theo N.P.Y.N, nhiều HS khác trong trường cũng nhận được trà sữa miễn phí như em.
Xử lý nghiêm để răn đe
Phản hồi thông tin trên, bạn đọc (BĐ) Thanh Niên đề nghị lực lượng công an điều tra quyết liệt, nhanh chóng đưa đối tượng dụ dỗ trẻ ra xử lý. “Mong cơ quan công an nhanh chóng truy xét và xử lý đối tượng bệnh hoạn này. Hiện nay loại tội phạm xâm hại, lạm dụng trẻ đang có xu hướng gia tăng, vì vậy pháp luật phải truy tố và tuyên mức án thật nặng để răn đe”, BĐ Trang Đài ý kiến.
Tương tự, BĐ Minh Vũ đề nghị: “Phải xử lý thật nghiêm khắc để răn đe loại tội phạm này, không thể để trình trạng này ảnh hưởng không nhỏ cho tương lai các cháu”.
“Tình trạng lạm dụng, xâm hại trẻ ngày càng gia tăng và biến tướng với rất nhiều hình thức. Vụ việc xảy ra sẽ để lại cho trẻ và gia đình những nỗi đau khôn nguôi. Vì vậy, bên cạnh các hình phạt nghiêm khắc cho loại tội phạm này để răn đe thì việc quản lý, quan tâm của gia đình đến trẻ là hết sức quan trọng. Ngoài ra, nhà trường cũng phải thường xuyên tăng cường giáo dục kỹ năng phòng chống bị xâm hại, lạm dụng cho các em HS “, BĐ Thanh Chi đề nghị.
Cùng quan điểm, BĐ Thanh Mật cho rằng: “Ở nước ngoài trẻ em từ mẫu giáo sẽ được giáo dục giới tính và những phần nhạy cảm không được phép cho người khác xem, dù ít hay nhiều trẻ cũng tự bảo vệ được bản thân”.
Không “thả nổi” cho trẻ sử dụng điện thoại
Qua vụ việc này, nhiều ý kiến cũng lên tiếng cảnh báo tình trạng nhiều phụ huynh “thả nổi” cho trẻ dùng điện thoại mà không có sự kiểm soát. Chính điều này sẽ dẫn tới nhiều hậu họa khôn lường. “Đây là sự việc rất nghiêm trọng, thiết nghĩ, không chỉ các phụ huynh cần quản lý sát sao hơn việc sử dụng điện thoại, mạng xã hội của con trẻ, mà cơ quan quản lý giáo dục cũng cần xem lại quy định cho phép HS sử dụng điện thoại trong giờ học nhằm hạn chế tối đa những việc tương tự”, BĐ Hai ý kiến.
Tương tự, BĐ Nguyễn Vân cho rằng vụ việc như trên là quá nguy hiểm, qua đó cảnh báo “phụ huynh không nên cho con sử dụng điện thoại sớm vì lứa tuổi này các con chưa phân biệt được đúng, sai. Nếu bất khả kháng thì phải có sự quản lý chặt chẽ”.
BĐ Mai Quyền thì nêu quan điểm: “Cho con em mình sử dụng điện thoại thông minh quá sớm (trước 16 tuổi) sẽ không tốt cho cả thể xác và tinh thần vì các em chưa phân biệt được rõ ràng cái đúng cái sai, tốt xấu, dễ bị dụ dỗ...”.
Sự việc rất nghiêm trọng, mong lực lượng công an điều tra, xử lý nghiêm đối tượng này.
Quang Đức
Các bậc cha mẹ làm gì thì làm xin hãy để ý đến con và tuyệt đối không được cho con dùng điện thoại quá sớm.
Kim Simi
Phụ huynh đừng cho con xài điện thoại sớm, các con còn quá nhỏ để nhận thức được những mặt trái của mạng xã hội. Nếu vẫn cho dùng thì phải có sự kiểm tra, giám sát.
Nguyễn Phương
|
Bình luận (0)