Cảnh giác cuộc gọi lừa đảo: ‘Đây là tòa án, anh chị có giấy triệu tập’

09/01/2019 15:18 GMT+7

Cuối năm, thủ đoạn giả mạo cán bộ điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát gọi điện để lừa đảo lại ‘nở rộ’. Nhiều nạn nhân đã ‘sập bẫy’.

[VIDEO] Giả giọng lãnh đạo, gọi 400 cuộc điện thoại mỗi ngày để lừa đảo - Video tư liệu
Giả cả số máy của trung tâm chỉ huy Công an TP.Đà Nẵng
Ngày 9.1, Công an TP.Đà Nẵng cho hay trong 2 tháng cuối năm 2018, trực ban công an TP nhận được gần 30 cuộc gọi của người dân, xác minh về các “cán bộ” điều tra dỏm thực hiện các cuộc gọi để lừa đảo.
Công an TP.Đà Nẵng đề nghị người dân cảnh giác, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân; kịp thời báo Đội điều tra tội phạm công nghệ cao (Phòng Cảnh sát kinh tế) qua số điện thoại 0694.260.260
 
Theo đó, nạn nhân nhận được điện thoại tự xưng là cán bộ điều tra với các tên, như: Lê Thanh Ngọc, Lê Thanh Tùng, Phạm Tuấn Anh, Lê Thành Nam… đe dọa. Cụ thể, những “cán bộ điều tra” tự xưng “phủ đầu” người nhận cuộc gọi bằng cách đe dọa họ liên quan đường dây tội phạm, rửa tiền. Sau đó, các “cán bộ điều tra” yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của Cơ quan điều tra để được làm rõ.
Công an TP.Đà Nẵng khẳng định, nguyên nhân người dân thắc mắc, là do các đối tượng dùng các số điện thoại giả lập của Trung tâm chỉ huy Công an TP như: 02363.822.300 - 02363.889.222 để gọi điện.
Gần đây nhất, có thêm 2 nạn nhân bị lừa đảo hàng tỉ đồng đến trình báo. Cụ thể, cuối tháng 8.2018, bà N.T.L.H. (51 tuổi, ngụ P.Hòa Thuận Tây, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) nhận điện thoại từ nhân viên tên là Thùy Linh mời bà đến bưu điện nhận thẻ tín dụng với món nợ 37 triệu đồng. Sau đó, bà H. lại được Linh hướng dẫn nghe máy của các “cán bộ điều tra”.
Cuộc gọi lừa đảo: "Đây là tòa án. Anh chị có giấy triệu tập..."
Bà H. tưởng thật, kê khai các tài khoản mở bằng CMND để chứng minh trong sạch. Sau đó, điều tra viên dỏm hướng dẫn bà thế chấp các sổ tiết kiệm để vay hơn 3 tỉ đồng, chuyển vào tài khoản của điều tra viên để xác minh. Số tiền này đã bị những kẻ lừa đảo rút sạch.
Chị H.T.H (ngụ đường Núi Thành, Q.Hải Châu) cũng đến Công an TP trình báo về việc bị chiếm đoạt 140 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng. Trước đó, chiều 15.10.2018, chị H.T.H chat qua Facebook với một khách hàng. Người này nói đang ở nước ngoài nên không thể giao dịch theo cách của ngân hàng Việt Nam nên gửi chị H. link (đường dẫn), yêu cầu chị này điền thông tin cá nhân, tài khoản Internet Banking để khách chuyển tiền. Sau đó, chị H. được hướng dẫn chụp màn hình mã OTP của chị và gửi cho khách (đối tượng lừa đảo). Ít phút sau tài khoản chị bị rút sạch 140 triệu đồng.
Chiêu lừa này không mới và các ngân hàng cũng đã cảnh báo tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác nhưng thỉnh thoảng vẫn có người sập bẫy.
Công an TP.Đà Nẵng cho biết đã nhiều lần có văn bản cảnh báo, khẳng định cơ quan chức năng không làm việc với tổ chức, cá nhân qua điện thoại, nếu cần cơ quan chức năng sẽ gửi thư mời cụ thể.
Vì vậy, Công an TP.Đà Nẵng đề nghị người dân cảnh giác, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân; kịp thời báo Đội điều tra tội phạm công nghệ cao (Phòng Cảnh sát kinh tế) qua số điện thoại 0694.260.260 nếu gặp tình huống tương tự.
Nở rộ lừa đảo qua Facebook
[VIDEO] Lừa đảo qua điện thoại: Dân Mỹ cũng khóc - Video tư liệu
Tình trạng nói trên cũng xảy ra ở nhiều địa phương. Theo Công an TP.Cần Thơ, thời gian gần đây, xuất hiện nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao cài đặt số điện thoại “ảo”. Khi gọi cho các nạn nhân, trên điện thoại di động sẽ hiện số điện thoại của ngành Công an hoặc Tòa án. Nếu người dân tra tìm số thì sẽ đúng với số thực tế nên nhiều người tin đây là cuộc gọi từ cơ quan chức năng. Ngoài ra, những kẻ lừa đảo còn tạo ra âm thanh, tiếng nói chuyện qua bộ đàm cho nạn nhân nghe để nạn nhân nghĩ rằng lực lượng công an đang làm việc.
Lệnh bắt tạm giam “ giả” được gởi tới các nạn nhân để hù dọa Ảnh: Mai Trâm
Công an TP.Cần Thơ cho biết thêm đã có thông báo về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng tội phạm lừa đảo qua ngân hàng. Cụ thể, đối với thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại VOIP, nhóm đối tượng giả danh cán bộ công an, điều tra viên Bộ Công an, cán bộ Viện KSND, TAND… gọi điện thoại cho người dân để thông báo cho nạn nhân “đang liên quan” đến các vụ án rửa tiền, trốn thuế, ma túy hoặc nợ cước điện thoại… làm cho nạn nhân hoang mang mất cảnh giác. Sau đó, những kẻ lừa đảo yêu cầu nạn nhân thực hiện theo các bước hướng dẫn và chuyển tiền vào tài khoản được cung cấp “để phục vụ điều tra” rồi chiếm đoạt.
Công an TP.Cần Thơ khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Đồng thời, trình báo ngay vụ việc cho Cơ quan Công an qua số điện thoại: 069.3672.214 để được hướng dẫn kịp thời.
 
Tinh vi hơn, những kẻ này còn hướng dẫn nạn nhân mở tài khoản ngân hàng mới, đứng tên của chính nạn nhân; yêu cầu đăng ký Internet Banking với số điện thoại của kẻ lừa đảo; yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản mới lập; cung cấp tên đăng nhập và mật khẩu “để giám sát tài khoản phục vụ điều tra” rồi thực hiện chuyển tiền tới tài khoản khác để chiếm đoạt.
Đối với thủ đoạn lừa đảo trúng thưởng qua Facebook Messenger với nội dung “Sự kiện tuần lễ tri ân khách hàng năm 2018 của Facebook”, các đối tượng lừa đảo cho biết tài khoản của người dùng may mắn được hệ thống lựa chọn ngẫu nhiên và trúng thưởng một phần thưởng lớn với “xe máy Honda SH 150i Việt Nam” và “phiếu quà tặng 200 triệu đồng tiền mặt”. Nhưng để được xác nhận từ hệ thống Facebook cần đăng ký làm thủ tục, hồ sơ nhận giải thưởng và nộp lệ phí từ trang web của hệ thống ngân hàng mà các đối tượng lừa đảo giả mạo. Nếu người dùng đăng nhập vào tài khoản Internet Banking, các đối tượng lừa đảo sẽ nhanh chóng thu thập và chiếm đoạt số tiền trong tài khoản của người dùng.
Công an TP.Cần Thơ khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Đồng thời, trình báo ngay vụ việc cho Cơ quan Công an qua số điện thoại: 069.3672.214 để được hướng dẫn kịp thời.
"Tại sao tôi phải gặp anh?"
Sáng 9.1, anh T.D (nhà ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nhận được cuộc điện thoại từ số 02363.841.799 với lời nhắn: “Xin chào! Đây là tòa án, chúng tôi xin thông báo anh, chị có giấy triệu tập chưa đi lãnh. Đây là thông báo cuối cùng. Cần hỗ trợ nhấn phím 9”. Nhận thấy cuộc gọi có dấu hiệu bất thường, anh D. đã gọi lại số điện thoại này. Người nhận cuộc gọi là một nữ cán bộ của Công an Q.Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng). Nữ cán bộ này cho biết, chị là người trực điện thoại, và từ sáng sớm đến lúc anh D. gọi điện cho chị, chị không gọi đến số điện thoại di động của anh D., cũng không để lại lời nhắn như trên.
Anh Đ.T (nhà ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cũng cho biết, anh từng nhận cuộc điện thoại với nội dung tương tự trường hợp của anh D. Khi anh bấm phím 9 và làm theo hướng dẫn, người ở đầu bên kia cũng tự nhận là cán bộ Tòa án và hẹn địa điểm “chung” tiền. Khi anh T. nói: “Tôi đang ở tòa án đây, anh ra nhận tiền”. Người đầu dây bên kia giở giọng: “Tại sao tôi phải gặp anh?”. (V.A)
  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.