Theo thông tin cập nhật của Bộ NN-PTNT, tính đến ngày 27.2 bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được ghi nhận xảy ra tại 96 hộ chăn nuôi ở 33 thôn, 20 xã và 13 huyện thuộc 6 tỉnh, thành: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội và Hà Nam.
[VIDEO] Bệnh dịch tả heo Châu Phi nguy hiểm có lây sang người không?
|
Theo thống kê của các địa phương, có 2.349 con lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi đã phải tiêu hủy, tổng thiệt hại lên tới hàng chục tỉ đồng. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, các địa phương đã vào cuộc xử lý, áp dụng các biện pháp khoanh vùng dập dịch và triển khai các biện pháp hỗ trợ người chăn nuôi, ngăn chặn tình trạng vận chuyển lợn trái phép ở các vùng dịch ra bên ngoài. Cục Thú y phối hợp với cơ quan thú y địa phương lấy mẫu lợn từ các hộ chăn nuôi xung quanh để giám sát chặt chẽ mọi diễn biến từ các ổ dịch.
|
Chia sẻ tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị lãnh đạo các địa phương đang có dịch tả lợn châu Phi phải triển khai các biện pháp chống dịch ở các hộ nhỏ lẻ. Đối với hộ chăn nuôi lớn, cơ quan chức năng phải có biện pháp tuyên truyền để tăng cường áp dụng các biện pháp phòng bệnh.
Hiện tại, các ổ dịch tả lợn châu Phi chỉ xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nếu để dịch lan vào các cơ sở chăn nuôi hiện đại, quy mô lớn thì thiệt hại sẽ lớn. Vì vậy, các địa phương phải áp dụng đồng bộ các giải pháp tổng hợp, với phương châm “phòng là chính”. “Dù dịch tả lợn châu Phi không lây sang người nhưng vì lây lan rất nhanh và hiện không có vắc xin phòng bệnh, nếu không quyết liệt ngăn chặn ngành chăn nuôi sẽ thiệt hại rất lớn”, ông Cường cũng nhấn mạnh.
Lập ngay ban chỉ đạo phòng, chống dịch
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý diễn biến thực tế của dịch tả lợn châu Phi hiện phức tạp và có xu hướng lây lan, lan rộng ra nhiều địa phương. Chính quyền các địa phương phải chủ động thông tin, tuyên truyền đến người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm, kêu gọi người dân cùng vào cuộc khống chế dịch bệnh.
tin liên quan
Xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại Thanh Hóa“Trong công tác tuyên truyền, cần nhấn mạnh đây là bệnh dịch tả lợn châu Phi không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, không để người dân hoang mang ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, đảm bảo thị trường hoạt động bình thường. Cần vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng cũng đề nghị các địa phương thành lập ngay ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật, đoàn công tác các cấp và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên để tổ chức phòng, chống dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng bệnh dưới cơ sở, đồng thời xây dựng các phương án, kịch bản cho từng tình huống khác nhau để kịp thời ứng phó, xử lý khi có dịch. Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT chủ động phương án bố trí nguồn lực hỗ trợ người dân thiệt hại do dịch bệnh, trong đó có dịch tả lợn châu Phi.
Nhiều địa phương lập chốt kiểm soát
Theo Sở NN-PTNT Thanh Hóa, nhằm phòng chống dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh đã quyết định cấp 17.500 lít hóa chất cho tất cả các địa phương để tiêu độc khử trùng trên toàn tỉnh.
Chi cục Thú y Thanh Hóa thành lập 2 tổ phản ứng nhanh; tỉnh lập 2 đội kiểm tra lưu động liên ngành gồm các lực lượng công an, thú y, quản lý thị trường để kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch; kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn trên địa bàn.
27/27 huyện, thị xã, TP đều đã thành lập ban chỉ đạo cấp huyện để tổ chức phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Đối với ổ dịch được phát hiện hôm 23.2 tại thôn Tân Ngữ 2 (xã Định Long, H.Yên Định), chính quyền địa phương và ngành chức năng vẫn đang cắt cử người túc trực 24/24 giờ, lập các chốt kiểm soát chặt chẽ không để người dân vận chuyển lợn ra vào thôn Tân Ngữ 2.
Tại Thái Bình, UBND tỉnh đã họp chỉ đạo công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại xã Đông Hải (H.Quỳnh Phụ). Ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân nhận thức được mức nguy hại của dịch bệnh, nâng cao ý thức tự phòng, chống dịch; nghiêm cấm hoạt động giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn đối với vùng có dịch; yêu cầu các chốt kiểm dịch trực 24/24 giờ từ ngày 22.2 đến hết ngày 24.3.
Tại Hà Nam, lợn bị dịch đã được tiêu hủy theo đúng quy trình. Còn tại Hải Phòng, ông Phạm Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP, cho biết đến ngày 28.2, ngoài các ổ dịch đã bùng phát ở xã Nam Hưng, H.Tiên Lãng và các xã Chính Mỹ, Đông Sơn, Lưu Kiếm, Liên Khê, Gia Đức của H.Thủy Nguyên, địa phương này chưa có ổ dịch mới phát sinh.
Minh Hải - Lê Tân
|
Bình luận (0)