Hôm nay, 29.11, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết cơ quan này đã trình lên Bộ GTVT phương án sửa chữa sửa chữa mặt cầu Thăng Long theo công nghệ Mỹ, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.
Theo đó, sẽ hàn các bu lông treo trên mặt sắt và đổ khoảng 6 - 7 cm bê tông sợi lên bề mặt cầu. Nhà thầu sẽ sửa chữa thí điểm một đoạn mặt cầu trong 3 tháng, rồi tiến hành làm đại trà.
Sau khi Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt phương án, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ khảo sát thiết kế, lập dự án, đấu thầu rộng rãi, rồi thi công trong năm 2020. Dự kiến tổng mức đầu tư từ 180 - 200 tỉ đồng.
Cũng theo ông Huyện, các nhà thầu trong nước có thể thi công được theo công nghệ này, chỉ phải nhập một số thiết bị đặc thù.
|
Năm 2009, mặt cầu Thăng Long được tiến hành sửa chữa tổng thể toàn bộ (kết cấu lóp phủ mặt cầu tính từ dưới lên). Sau một thời gian khai thác, lớp bê tông nhựa SMA bị hư hỏng, trượt, xô dồn nứt, dẫn đến lớp bê tông nhựa mặt cầu nhanh bị phá hỏng.
Giai đoạn năm 2012 - 2013, Bộ GTVT thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bê tông nhựa mặt cầu Thăng Long bằng máy rải chuyên dụng của hãng HallBrother (Mỹ), sử dụng vật liệu dính bám nhũ tương nhựa đường polyme và bê tông nhựa polyme. Thế nhưng, sau một thời gian, có nhiều vị trí cũng hư hỏng trước khi hết bảo hành.
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng là công trình ghi dấu mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên Xô (cũ), nối liền các tỉnh phía Bắc với thủ đô Hà Nội, được các chuyên gia Liên Xô thiết kế và xây dựng từ năm 1974, hoàn thành cuối năm 1985.
Bình luận (0)