Thanh long, từ đâu đến?
Nhiều người nông dân ở Bình Thuận cũng không biết rõ cây thanh long du nhập vào Bình Thuận từ khi nào. Họ chỉ biết rằng, bây giờ, loài cây ăn trái này đã trở thành “cây làm giàu” ở vùng đất Nam Trung bộ đầy gió, nắng cháy da người.
|
Nhiều người cũng chẳng quan tâm đến loài cây này xuất thân từ vùng Nam Mỹ hay nước nào, mà chỉ biết nó tồn tại từ rất lâu ở Bình Thuận.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm, một nông dân 68 tuổi ở xã Hàm Mỹ, H.Hàm Thuận Nam, khi ông còn rất trẻ, ông đã nhìn thấy cây xương rồng này leo lên trên các cổ thụ trong vườn nhà. Nó xuất hiện nhiều ở Hàm Mỹ, Hàm Kiệm đặc biệt là ở ga Phú Hội (nay là xã Hàm Hiệp, H.Hàm Thuận Bắc).
|
Vào mùa mưa, cây thanh long ra hoa kết trái, nhưng trái rất chua, chỉ đơm cúng cho đẹp bàn thờ gia tiên. Thế rồi khi những gốc thanh long dại, mọc bên dưới ngọn đèn trước cổng, bỗng dưng ra hoa kết trái vào mùa khô, thì người dân xứ Bình Thuận mới vỡ lẽ ra là nếu được chong đèn ban đêm, thanh long có thể ra trái.
|
Tuy nhiên, câu chuyện này được ông Bùi Đăng Hưng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hàm Hiệp (H.Hàm Thuận Bắc), nguyên Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận, kể rất cụ thể. Theo ông Hưng, cây thanh long được trồng sớm nhất từ các tỉnh miền Trung, chứ không phải Bình Thuận. Khi du nhập về Bình Thuận, nó chỉ như loài xương rồng dại.
|
Thế rồi ông Nguyễn Văn Hai (tức ông Hai Long), ở thôn Đại Thiện, xã Hàm Hiệp đã phát hiện ra nó nở hoa trái mùa khi sống dưới ngọn đèn thắp sáng vào ban đêm.
Và chỉ đến thập niên 90 của thế kỷ trước, người dân thôn Phú Hội, Đại Thiện hay Hàm Mỹ (nay thuộc hai huyện Hàm Thuận Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam) mới biết chong đèn để cây thanh long ra hoa kết trái trái mùa vụ.
|
“Giờ đây, người nông dân Bình Thuận có thể “muốn cây thanh long ra trái bất cứ mùa nào, tháng nào, chỉ cần sau 17 đêm chong đèn là cây thanh long ra hoa kết trái”, ông Bùi Đăng Hưng nói.
|
|
|
Làm giàu nhờ thanh long
Không chỉ người dân địa phương mới biết trồng thanh long, ở “thủ phủ” Hàm Minh, thị trấn Thuận Nam, xã Tân Lập… có rất nhiều người nông dân vốn di cư từ các tỉnh phía Bắc vào đây trồng thanh long.
Ban đầu mỗi nhà chỉ có vài trăm gốc và tự chăm sóc vườn. Sau này thấy cây trồng dễ và có lãi cao, họ đã mở rộng thuê công nhân sản xuất. Hiện nay có nhà trồng đến vài héc ta cây thanh long, có khi cả chục héc ta. Thu nhập mỗi năm hàng chục tỉ đồng nhờ thanh long.
Nhiều du khách đến Bình Thuận du lịch (Bình Thuận hiện có nhiều tour du lịch thăm vườn thanh long) khá bất ngờ khi thấy những “biệt thự, biệt phủ” mọc san sát nhau bên những vườn thanh long ở hai huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc.
|
Theo ông Bùi Đăng Hưng, mỗi héc ta thanh long cho từ 20 đến 22 tấn quả/mùa (hai mùa/năm). Nếu giá thanh long giá trung bình 15.000 đồng/kg thì có thể thu 600 triệu đồng/ha/mùa.
Hiện nay ở H.Hàm Thuận Nam có khoảng 11.000 ha thanh long, Hàm Thuận Bắc khoảng 10.000 ha, có những xã như Hàm Minh, Hàm Mỹ, Hàm Hiệp, Hàm Liêm hầu như nhà nào cũng trồng thanh long. Ở những vùng này hầu như không còn hộ nghèo nhờ biết trồng thanh long.
Đây là lý do để hai huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc được ví von là “thủ phủ” thanh long của Bình Thuận và cả nước. Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 30.000 ha thanh long, 70% diện tích đang cho trái, tổng sản lượng cả tỉnh khoảng 600.000 tấn/năm, lớn nhất cả nước cả về diện tích lẫn sản lượng.
|
Thị trường quyết định vẫn là Trung Quốc
Mỗi năm Bình Thuận sản xuất hơn 600.000 tấn quả thanh long. Khoảng 75% sản lượng trên đều xuất vào Trung Quốc bằng cả hai con đường: tiểu ngạch và chính ngạch.
Theo phân tích của ông Bùi Đăng Hưng “thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường chính, quyết định đầu ra của thanh long Bình Thuận” (dù thanh long Bình Thuận hiện đã vào Mỹ và châu Âu - PV). Sở dĩ vậy, Trung Quốc là nước đông dân, rất thích trái cây màu đỏ. Đặc biệt, xuất đi thị trường Trung Quốc là trái thanh long phải bóng, phải vuốt tai đẹp vì họ cúng tổ tiên trước khi ăn. Trong khi hàng xuất đi châu Âu không quan trọng yếu tố đẹp, mà chú trọng chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hiện nay thương lái Trung Quốc đã tiếp cận tận nhà vườn ở “thủ phủ” Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, thậm chí ra tận các huyện phía bắc Bình Thuận, vốn rất thiếu nước, trồng thanh long không nhiều bằng.
|
Còn theo ông Phan Văn Tấn, Phó giám đốc Sở NN - PTNT Bình Thuận, muốn tránh rủi ro, không có con đường nào khác ngoài việc phải nâng cao chất lượng sản phẩm, xuất xứ hàng hóa và đảm bảo vấn đề cung ứng đầu ra.
Tình trạng được mùa nhưng mất giá, theo ông Tấn là do nông dân sản xuất đại trà, không chia lẻ vườn theo từng thời điểm, khiến cho việc tiêu thụ khó khăn do cung vượt cầu, thương lái biết được quy luật này càng ép giá.
|
|
Tương lai của cây thanh long Bình Thuận
Theo ông Nguyễn Đức Trí, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển cây thanh long Bình Thuận, thì hiện nay xu thế phát triển diện tích cây thanh long đã “đứng” lại. Thay vào đó, bà con đã tập trung vào sản xuất thanh long chất lượng cao để xuất khẩu. Các “thủ phủ” đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất thanh long như các tổ liên kết, hợp tác xã , công ty thanh long chất lượng cao.
Theo ông Trí, hiện nay Bình Thuận có khoảng gần 11.000 ha thanh long được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP, năm 2019 diện tích Việt GAP sẽ tăng thêm khoảng 500 ha nữa.
Cũng theo ông Bùi Đăng Hưng: “dù nhiều tỉnh thành trồng thanh long, nhiều nước như Thái Lan, Đài Loan, Philippines đều trồng thanh long, nhất là Trung Quốc trồng rất nhiều, nhưng chất lượng thì không thanh long ở đâu bằng Bình Thuận".
“Do vậy, thanh long Bình Thuận phải chú trọng chất lượng vì hiện nay nhiều nước, thậm chí cả Trung Quốc cũng đang dựng hàng rào kĩ thuật đối với thanh long Việt Nam. Bà con nông dân cần phải biết sản xuất hàng hóa sạch, chất lượng an toàn vệ sinh, có xuất xứ rõ ràng thì giá trị sẽ tăng cao, mang lợi lợi nhuận cho người sản xuất cũng như doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Bùi Đăng Hưng phân tích.
Bình luận (0)