Cha hiến 1 quả thận để bác sĩ ghép thận cứu con trai 9 tuổi

07/04/2021 16:37 GMT+7

Cậu con trai 9 tuổi hơn 1 năm lọc thận do bị suy thận mạn, người cha đã hiến 1 quả thận để bác sĩ ghép thận cứu con.

Ngày 7.4, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM thông tin về ca ghép thận cho bé trai 9 tuổi (ngụ Bình Thuận). Đây là ca ghép thận thứ 19 tại Bệnh viện Nhi đồng 2 sau 17 năm thực hiện.
Theo đó, hơn 1 năm trước, mẹ thấy bé hay than mệt khi leo dốc, ăn uống kém, khó ngủ về đêm. Bé được đưa đi khám bệnh và được phát hiện suy thận mãn. Từ tháng 6.2020, bé được lọc thận bằng phương pháp thẩm phân màng bụng (thẩm phân phúc mạc). Hàng ngày bé được cho dịch vào ổ bụng và sau đó lấy ra, mỗi ngày làm 4 - 5 lần/ngày.
Tuy nhiên, việc thẩm phân phúc mạc của bé đều tiềm ẩn nguy cơ như nhiễm trùng dịch lọc, Catherter (thống thông) lạc chỗ, xơ hóa màng bụng trong thời gian dài. Do đó, bé được chỉ định ghép thận.
Người cho thận để ghép chính là cha ruột của bé trai này.
Ngày 23.3, Bệnh viện Nhi đồng 2 cùng với Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành phẫu thuật ghép thận cho bệnh nhi. Do được thăm khám và hội chẩn nhiều lần nên đã phát hiện được tĩnh mạch chậu ngoài của bé nam bị teo hẹp từ trước mổ nên ekip mổ khéo léo di chuyển miếng nối tĩnh mạch lên tĩnh mạch chậu bụng và đã thành công trong phẫu thuật nối ghép.
Theo bác sĩ, ghép thận đồng loại đặc biệt ghép thận cho trẻ em có ý nghĩa rất lớn vì trẻ em cần nhiều thời gian để sử dụng thận ghép. Ghép thận giúp đứa bé trở về cuộc sống gần như bình thường so với các phương pháp điều trị thay thế khác (lọc máu hoặc phân phúc mạc).
Ca ghép thận đầu tiên của Bệnh viện Nhi đồng 2 là năm 2004 và bệnh nhân đến nay vẫn còn sử dụng được thận ghép.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 2, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và một số yếu tố khách quan mà công cuộc ghép thận của bệnh viện bị chậm lại trong năm 2019 - 2020.
Ca ghép thận thứ 19 đánh dấu bước đầu Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ tiến lên trong công tác tự chủ ghép thận nói riêng và ghép tạng nói chung.
Tuy nhiên, muốn ghép thận cứu nhiều trẻ em thì cần có sự giúp đỡ của cộng đồng trong công tác từ thiện, trợ giúp xã hội vì hầu hết bệnh nhân suy thận mạn đều có hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, kinh phí ghép thận bảo hiểm y tế không chi trả hết, nên phần đóng chênh lệch vượt khả năng của gia đình bệnh nhân, bệnh viện cũng không có kinh phí để thực hiện nếu như không có sự hỗ trợ của mạnh thường quân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.