Phiên thảo luận dự án luật Sửa đổi, bổ sung Điều 3 luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 14.11 đã trở thành một cuộc tranh luận về việc có nên sửa đổi theo đề xuất của Chính phủ hay sửa đổi ngay bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 thì phù hợp hơn.
Theo tờ trình của Chính phủ, bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017, có hiệu lực 1.1.2017, đã bỏ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 306 về hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng “tương tự như vũ khí quân dụng”, trong khi luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực sau đó 6 tháng vẫn giữ quy định về loại vũ khí này.
Điều này tạo ra “khoảng trống pháp luật” trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Theo tờ trình, kể từ khi luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực thì các hành vi nêu trên không thể khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về hình sự.
Từ đó, Chính phủ đề nghị sửa đổi Điều 3 luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho phù hợp với bộ luật Hình sự, theo hướng sửa đổi khái niệm “vũ khí quân dụng” bao gồm cả vũ khí có tính năng tương tự vũ khí quân dụng.
Pháp luật lại phải chạy theo tội phạm
Góp ý dự thảo luật, đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) cho rằng, danh mục vũ khí quân dụng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo như dự luật phải bao gồm cả các loại "vũ khí có tính năng tác dụng như vũ khí quân dụng". Việc này rất khó khả thi và không khắc phục được khoảng trống pháp luật vì khi bộ trưởng Quốc phòng ban hành danh mục bọn tội tiếp tục sản xuất hoặc nhập lậu các loại vũ khí tương tự không có trong danh mục thì lại không xử lý hình sự được.
|
“Như vậy cơ quan quản lý nhà nước ban hành văn bản quy phạm pháp luật lại phải chạy theo bọn tội phạm”, đại biểu Hùng nói, và đề nghị chỉ cần bổ sung cụm từ “vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng” tại Điều 304 bộ luật Hình sự, sẽ khắc phục được triệt để vấn đề đang đặt ra.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng đồng tình đề xuất này và cho rằng, việc bộ luật Hình sự vừa sửa đổi, nay lại bổ sung hoàn toàn có thể giải thích được, và nhân dân sẽ ủng hộ vì đây là việc có lợi cho xã hội, có lợi cho công dân, pháp chế, công lý và toàn bộ hệ thống tố tụng.
“Điều quan trọng là bộ luật Hình sự đã không có quy định xử lý vũ khí tương tự quân dụng mà chúng ta lại đi diễn dịch bằng đạo luật khác thì vi phạm nguyên tắc rất quan trọng của tố tụng hình sự”, ông Nghĩa nói.
Tranh luận với các đại biểu, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An, cho rằng từ sau khi bộ luật Hình sự có hiệu lực (1.1.2017) thì vẫn truy tố bình thường, không vướng mắc gì. Vướng mắc xảy ra kể từ khi luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ vào 1.7.2017. Do đó, ông Cầu cho rằng, nên sửa luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là phù hợp hơn.
“Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói tôi thấy hoàn toàn chính xác, nhưng khổ một nỗi trong thực tế chúng ta chưa thể làm được như vậy. Trong thực tế, bộ luật Hình sự của ta chưa đảm bảo được yêu cầu như đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ra. Nếu tất cả những gì quy định rõ trong bộ luật Hình sự và chỉ có những hành vi đấy mới là hành vi phạm tội thì quá tốt, nhưng chúng ta chưa làm được”, Giám đốc Công an Nghệ An phân tích, và cho rằng lâu dài thì như đại biểu Nghĩa nói là chính xác nhưng tình hình hiện tại thì phải lựa chọn cách khôn ngoan và hợp lý hơn để làm.
"Nay súng hoa cải nhưng mai nó là súng hỏa mai, súng hoa đào"
Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) thì ủng hộ đề xuất của Chính phủ, song đề nghị trong khi chờ sửa bộ luật Hình sự thì đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành hướng dẫn và thực hiện án lệ đối với các trường hợp vi phạm liên quan tới vũ khí tương tự vũ khí quân dụng.
|
“Ví dụ, chúng ta bảo súng hoa cải nhưng nay mai nó là súng hỏa mai, là súng hoa đào, có nghĩa rất nhiều loại mà chúng ta không lường trước được. Cho nên bằng công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tổng kết tội phạm và hướng dẫn xét xử theo Hiến pháp và theo luật”, ông Thân phân tích.
Đáp lại đề xuất này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện tại Bộ Quốc phòng vẫn chưa ban hành danh mục vũ khí quân dụng, nhưng chắc chắn các loại súng hoa cải, súng săn hay loại súng nhựa in bằng máy 3D không được đưa vào danh mục.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, việc bộ luật Hình sự bỏ quy định về vũ khí tương tự vũ khí quân dụng dẫn đến hiện nay những vụ sử dụng súng hoa cải, súng săn hay là các súng khác bắn chết người, gây thương tích như vũ khí quân dụng thì không xử được.
Tuy nhiên, ông Bình cho biết, Tòa đã họp nhiều lần với Bộ Công an, Viện kiểm sát nhưng không hướng dẫn được.
“Hội đồng Thẩm phán thì không được quy định vượt qua luật trong khi đây là những vấn đề hạn chế quyền con người. Hiến pháp quy định tất cả những chế định hạn chế quyền con người đều phải do luật quy định”, ông Bình cho hay, song cũng nêu quan điểm, về lâu dài chắc chắn phải “xem xét lại” điều 304 bộ luật Hình sự.
"Pháp luật thực sự bất lực trước việc này" Là người cuối cùng đăng ký phát biểu ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc sửa đổi luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là phù hợp vì trong giai đoạn hiện nay, sửa bộ luật Hình sự là rất khó.
Nói về sửa điều 304 bộ luật Hình sự năm 2015 cách đây 3 năm, Bộ trưởng Long cho biết, đây là một trong những điều chốt lại cuối cùng. Theo ông Long, cách tiếp cận khi đó là làm sao liệt kê đầy đủ, cụ thể từng các loại vũ khí tuy nhiên, không thể liệt kê nổi.
“Có người đặt vấn đề là nếu như anh nói vũ khí thì trở lại thời ông ông bà, các cụ nhà ta đánh Pháp, đánh Mỹ thì gậy tầm vông, chông, giáo, mác, mọi thứ đều có thể là vũ khí, cho nên pháp luật thực sự bất lực trước việc này”, ông Long nói.
|
Bình luận (0)