Một sự trùng hợp tình cờ, hôm qua, trong khi cả cộng đồng vẫn chưa nguôi phẫn nộ với sự vô cảm của cán bộ P.Văn Miếu (Q.Đống Đa, Hà Nội) vì chuyện cấp giấy chứng tử, thì Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức một lớp tập huấn dành cho 360 cán bộ tư pháp xã phường toàn thành phố - được chuẩn bị từ nhiều tháng trước đó.
Phát biểu bế giảng lớp học, ông Phạm Thanh Cao, Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, nói rằng: “Vấn đề của các bạn (cán bộ tư pháp Hà Nội - NV) không phải là trình độ, không phải nghiệp vụ mà là thái độ”.
Ông Cao đã nói một vấn đề bản chất, cốt lõi không chỉ của cán bộ tư pháp mà của cán bộ công chức nói chung. Việc cán bộ tư pháp tiếp nhận yêu cầu (cấp giấy chứng tử) của dân lúc 9 giờ sáng và trả kết quả lúc 3 giờ chiều có sai không? Không sai, hoàn toàn đúng quy trình, thậm chí còn sớm hơn thời hạn (1 ngày) theo quy định. Nhưng tại sao gia đình tang gia bức xúc? Tại sao cộng đồng phẫn nộ? Chính nằm ở thái độ của cán bộ công chức với công việc của dân, nó là lỗi giao tiếp giữa cán bộ với dân, giữa con người với con người.
Tục ngữ ta có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Lời nói trong trường hợp này không chỉ là một phương tiện giao tiếp mà nó còn gắn với văn hóa và đạo đức công vụ. “Hà (bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch UBND P.Văn Miếu - NV) đã khóc rất nhiều”, một thành viên đoàn thanh tra công vụ của Hà Nội kể lại. Nhưng điều đó phỏng có ích gì, khi trong một tích tắc, bà - một cán bộ công chức, đã quên đi vị trí công bộc của mình, để mình tự do cuốn theo sự bức xúc của người đối thoại, đã làm mất đi hình ảnh của cơ quan chính quyền mà bà đang đại diện.
Cũng theo kết quả thanh tra thì anh cán bộ tiếp nhận hồ sơ P.Văn Miếu ở cùng tổ dân phố với tang gia. Nếu anh giải quyết công việc không trên tâm thế “cán bộ”, nếu thay vì phát ra cái giấy hẹn, anh chia sẻ công việc như một người hàng xóm thì có lẽ người dân cũng sẽ không bức xúc, cho dù công việc có chút chậm trễ.
Một trong những đặc trưng của hoạt động công vụ là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước (nhân danh nhà nước) do các công chức, viên chức nhà nước tiến hành. Do đó, trong nhiều trường hợp, nếu tâm không sáng, trách nhiệm không cao sẽ dẫn đến lạm quyền, gây tổn hại cho dân, cho xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Vì vậy, giáo dục đạo đức công vụ, chấn chỉnh thói vô cảm không chỉ là công việc của bản thân công chức mà là một phần trách nhiệm của chủ thể quản lý công chức.
Bình luận (0)