Vụ việc một bác sĩ ở Thừa Thiên-Huế bị xử lý kỷ luật và phạt hành chính 5 triệu đồng đã một lần nữa khiến cụm từ “nói xấu lãnh đạo” trở thành từ khóa của dư luận xã hội, mà tranh luận qua lại chính là yêu cầu phải được minh định về nội hàm.
Chuyện này cũng đặt ra một vấn đề phải bàn về tâm thế của lãnh đạo trong việc tiếp thu các luồng ý kiến phản biện từ môi trường mạng xã hội.
Nói xấu hiểu đơn giản là nói điều xấu về ai đó, nhưng không phải lúc nào cũng vi phạm pháp luật. Chỉ khi nào nói điều xấu không có căn cứ thực tế, bôi nhọ hoặc vu khống thì việc nói xấu đương nhiên vi phạm pháp luật. Còn nếu điều xấu xí là một sự thật, thì người có liên quan cũng phải dũng cảm đối mặt tiếp nhận để mà chỉnh sửa.
Thực tế đời sống thông tin mạng xã hội hiện nay rất phức tạp, tới mức khó kiểm soát. Không ít trường hợp bôi nhọ, vu khống lãnh đạo. Và chúng ta chẳng bao giờ nên khoan nhượng trong đấu tranh với những âm mưu như thế. Nhưng cũng nên phân biệt cho rõ, đừng nhầm lẫn chuyện nói xấu lãnh đạo với những trường hợp người dân mạnh dạn nêu lên suy nghĩ độc lập, thể hiện quan điểm cá nhân của họ về một thực tế xấu xí nào đó, và kêu gọi một lãnh đạo nào đó nên hành xử có trách nhiệm với vấn đề đã nêu.
Xét cho cùng, lãnh đạo cũng là một cá nhân công dân, một thực thể pháp lý có đầy đủ các quyền, và nếu cá nhân lãnh đạo cảm thấy bị xâm hại quyền lợi cũng như danh dự, thì việc sử dụng một trình tự pháp lý chuyên nghiệp như kiện ra tòa là rất nên làm. Cách một văn bản hành chính được tống đạt xuống cơ quan cấp dưới. Một án kỷ luật được ký. Và một quyết định phạt hành chính 5 triệu đồng được kèm theo như thể gọi tên một vụ việc tương tự từ quá khứ ở An Giang trở về trong ẩn ức của công chúng (bị phạt vì nói xấu chủ tịch tỉnh).
Xử lý phạt “nói xấu lãnh đạo” theo kiểu văn bản hành chính từ trên xuống đi kèm với những áp lực ai cũng biết nhưng khó chứng minh, gây cảm giác rằng rồi đây bất cứ ai đó, nếu buột miệng nhận xét hay nói điều gì liên quan đến lãnh đạo mà không đẹp lòng, không thuận ý, thì cái khả năng bị xử lý là rất cao. Vậy thì giá trị của xã hội pháp quyền sẽ là ở đâu trong cái ám ảnh đó của công chúng? Vậy thì cái tinh thần phản biện xã hội có còn chăng, trong một xu thế xã hội mà các luồng ý kiến đa dạng, khác chiều chỉ có thể giúp chúng ta cùng nhau đi đến những quyết định đúng đắn vì sự phát triển. Những luồng ý kiến trái chiều, dẫu có khó nghe đến mức nào, khi được tương tác với tinh thần cầu thị và sự minh bạch của chính quyền, thì sẽ trở thành động lực của phát triển và tiến bộ.
Nói cho cùng, dù có tham chiếu bao nhiêu luật lệ, nghị định, thông tư đi chăng nữa để tuyên bố các quyết định phạt “nói xấu lãnh đạo”, chúng ta cũng đừng quên tham chiếu đến lòng dân.
Bình luận (0)