Chất cực độc cyanua liên tục 'tuồn lậu' vào Quảng Nam

13/12/2018 10:00 GMT+7

Nguồn lợi từ việc buôn bán cyanua làm nhiều người bất chấp nguy hiểm để mang chất cực độc này bán cho các chủ mỏ vàng trái phép trên địa bàn Quảng Nam.

Quảng Nam được biết đến là nơi có nhiều mỏ vàng lớn hoạt động. Ngoài những mỏ vàng hợp pháp được cấp phép, nhiều năm qua tình trạng khai thác vàng trái phép tại Tam Lãnh (H.Phú Ninh) và địa bàn H.Phước Sơn cũng tồn tại song song. Có đào vàng trái phép ắt sẽ có nhu cầu về cyanua, bởi chất cực độc này được dùng để chiết vàng nguyên chất từ quặng.
Nắm bắt được nhu cầu của thị trường “ngầm” này, nhiều người đã tìm đủ mọi cách, thậm chí bất chấp nguy hiểm tính mạng, tuồn cyanua vào Quảng Nam để tiêu thụ. Mới đây, ngày 11.12 cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ xe bán tải BS 43C-127.56 do tài xế Phạm Xuân (49 tuổi, ở xã Hòa Liên, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) điều khiển chở theo 25 bao với tổng trọng lượng 625 kg cyanua (Thanh Niên ngày 12.12 đã thông tin).
Trước đó, khoảng 4 giờ 50 ngày 11.8, tổ công tác Đồn công an Tam Lãnh (thuộc Công an H.Phú Ninh, Quảng Nam) cũng phát hiện, bắt giữ Lê Văn Bảo (53 tuổi, trú xã Tiên Lập, H.Tiên Phước) điều khiển xe máy không gắn biển số, chở một bao tải chứa 25 kg chất độc cyanua vào bãi vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, H.Phú Ninh) để khai thác vàng trái phép. Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, cơ quan chức năng Quảng Nam cũng bắt giữ hàng chục vụ vận chuyển cyanua vào các bãi vàng.
“Biện pháp duy nhất” để bảo vệ
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Văn, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho biết đối với ngành y, cyanua được xem là chất tối độc, chỉ cần một liều lượng nhỏ đã gây chết người.
Cyanua là một chất hóa học cực độc nên bị cấm buôn bán, vận chuyển, thường được dùng để khai thác vàng. Chỉ cần 50 - 200 mg cyanua đã có thể làm tử vong một người trưởng thành khỏe mạnh.
Theo ông Văn, về cơ chế ngộ độc, khi cyanua vào cơ thể, lập tức gắn với nguyên tố sắt có trong nguyên tố hemoglobin (huyết sắc tố). Trong cơ thể người, hồng cầu có chức năng vận chuyển ô xy đến các tế bào. Nhưng khi bị ngộ độc thì cyanua sẽ gắn với sắt khiến sắt không gắn với ô xy. Các tế bào không có ô xy sẽ dẫn đến ngộ độc cấp và chết. Về nguyên tắc hóa học, chất này được đưa vào bãi vàng để phân kim loại, sau khi thải ra môi trường sẽ khiến nguồn nước có màu xanh.
Thiếu tá Nguyễn Duy Phương, Đội trưởng Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT Công an Quảng Nam) giải thích thêm: Cyanua được vận chuyển vào các bãi vàng nhằm mục đích ngâm với quặng chứa vàng, bạc để tạo ra dung dịch có chứa cyanua vàng, bạc. Sau đó, hỗn hợp này sẽ được phân kim lần nữa để thu vàng, bạc tinh khiết. Vì là chất cực độc nên công tác bảo hộ đối với các chiến sĩ làm nhiệm vụ cũng như trong quá trình cân đong, đo đếm được lưu ý đặc biệt. Các chiến sĩ làm nhiệm vụ thường phải đeo khẩu trang, mang bao tay để không đụng chạm trực tiếp vào chất độc. Đây cũng là “biện pháp duy nhất” để bảo vệ; hiện không có biện pháp nào khả quan hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.