Vụ việc xảy ra ở Hà Tĩnh năm 2016 và từ vụ việc này, Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND tối cao đã ban hành án lệ để áp dụng trong quá trình xét xử.
Cụ thể, theo quyết định công bố 8 án lệ mới, là những vụ việc thường gặp trên thực tế về án hình sự, dân sự, vừa được TAND tối cao ban hành, được áp dụng từ 15.4.2020, Án lệ số 30/2020 đề cập đến hành vi cố ý điều khiển phương tiện giao thông chèn lên bị hại sau khi xảy ra tai nạn giao thông. Với hành vi này, HĐTP yêu cầu phải xử phạt về tội “giết người”.
Phạm tội vì động cơ đê hèn
Theo bản án của TAND tỉnh Hà Tĩnh, khoảng 16 giờ ngày 31.5.2016, Phan Đình Q. (40 tuổi) lái ô tô tải 6 tấn đi trên QL1A. Khi đến Km 584 thì bất ngờ Q. điều khiển ô tô chuyển hướng rẽ phải vào đường liên xã. Cùng lúc, em Hoàng Đức P. vừa đi đến. Do Q. điều khiển xe chuyển hướng nhưng không quan sát kỹ nên ô tô của Q. va chạm gây ra tai nạn đối với xe máy điện do em P. điều khiển, cuốn xe máy của em P. vào gầm ô tô.
Sau khi xảy ra va chạm, Q. liền dừng xe, nhảy xuống đi vòng ra sau phía bên phụ xe để kiểm tra thì nhìn thấy có một người nằm dưới gầm ô tô, trong tư thế bị chèn ở phía trước hàng bánh sau ô tô. Đứng quan sát khoảng gần một phút, Q. lên xe cài số 1 cho xe tiến lên và ô tô của Q. đè qua đầu khiến nạn nhân vỡ sọ não và tử vong.
Q. bị Viện KSND H.Kỳ Anh (Hà Tĩnh) truy tố về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” và sau đó TAND H.Kỳ Anh xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả thẩm vấn tại tòa, HĐXX sơ thẩm nhận định hành vi của bị cáo Q. là giết người, nên đã trả hồ sơ, yêu cầu chuyển vụ án lên cấp tỉnh điều tra, truy tố, xét xử bị cáo về tội “giết người”.
Ngày 19.11.2018, TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt Phan Đình Q. 12 năm tù về tội “giết người”. Bị cáo kháng cáo kêu oan về tội danh, cho rằng mình chỉ phạm tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” chứ không phạm tội “giết người”. Bị cáo cho rằng việc lái ô tô đè qua đầu cháu P. là do luống cuống nên đã cài nhầm số tiến thay vì cài số lùi, chứ bị cáo không muốn nạn nhân chết.
Viện KSND cấp cao tại Hà Tĩnh kháng nghị theo hướng áp dụng tình tiết bị cáo phạm tội có tính chất côn đồ để tăng nặng hình phạt. Tại phiên phúc thẩm, kiểm sát viên đề nghị tòa áp dụng tình tiết bị cáo phạm tội vì động cơ đê hèn và tăng mức hình phạt tù đối với bị cáo. Ngày 16.5.2019, HĐXX phúc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên bị cáo Q. phạm tội “giết người” và xử phạt 13 năm 6 tháng tù.
Nhiều căn cứ xác định hành vi phạm tội
Theo nhiều chuyên gia pháp luật, việc ban hành Án lệ 30/2020 là rất cần trong bối cảnh tai nạn giao thông gây nhức nhối xã hội, đặc biệt không ít vụ tai nạn mà dư luận râm ran cho rằng tài xế cố tình cán chết nạn nhân đang bị thương để “tránh phải đi lại chăm sóc, bồi thường lâu dài”. Tuy nhiên, để xác định đúng tội “giết người”, cần phải căn cứ nhiều chứng cứ thuyết phục.
Trong án lệ nói trên, HĐTP TAND tối cao đã đưa phần nhận định trong bản án phúc thẩm ngày 16.5.2019 của TAND cấp cao tại Hà Nội làm nội dung án lệ. Cụ thể, HĐXX phúc thẩm nhận định, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, như lời khai của người làm chứng gồm: bà Dương Thị H., anh Nguyễn Xuân H., chị Phạm Thị T., anh Hoàng Khánh C.; cũng như sơ đồ hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi, kết luận giám định pháp y và đặc biệt là căn cứ vào chính lời khai của bị cáo Q. ở giai đoạn ban đầu điều tra: “Khi xuống kiểm tra thì tôi không chắc chắn nạn nhân đang nằm dưới gầm ô tô là còn sống hay đã chết, vì thực tế lúc đó tôi cũng chưa có căn cứ để xác định được là nạn nhân đã chết hay còn sống”; “mặc dù lúc đó bị cáo nhận thức được cho xe tiến lên, hay lùi lại thì cũng đều là rất nguy hiểm, vì nếu lùi xe thì thế nào bánh trước cũng sẽ tiếp tục đè lên người nạn nhân…”… để khẳng định bị cáo đã phạm tội “giết người”.
“Mặc dù bị cáo Q. kháng cáo, cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo không phạm tội giết người, bởi tuy bị cáo là người lái ô tô đè qua đầu cháu P., nhưng do bị cáo luống cuống, đã cài nhầm số mà lẽ ra bị cáo lùi xe, thì bị cáo lại cho xe đi thẳng, bị cáo không muốn nạn nhân chết. Nhưng HĐXX phúc thẩm có đủ căn cứ để khẳng định bị cáo Q. đã có hành vi phạm tội “giết người”. Việc bị cáo Q. luôn thay đổi lời khai và không nhận đã phạm tội “giết người” là chỉ để trốn tránh trách nhiệm hình sự trước pháp luật về tội nặng hơn tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” mà thôi”, HĐXX phúc thẩm nhận định.
Vì sao cần ban hành án lệ?Theo PGS-TS Đỗ Văn Đại, Trường đại học Luật TP.HCM, cùng một vụ việc khi xảy ra tranh chấp nhưng trong luật chưa quy định cách giải quyết hoặc quy định chưa rõ, có sự mâu thuẫn dẫn đến luật sư các bên hiểu khác nhau, thẩm phán ở các nơi xử không giống nhau, từ đó đương sự cảm thấy bất bình thì TAND tối cao ấn định một bản án, quyết định làm chuẩn, làm đường lối giải quyết tạo sự thống nhất trong áp dụng, tạo sự bình đẳng cho các đương sự, giao dịch. Bản án, quyết định của TAND tối cao ấn định gọi là án lệ.
|
Uống rượu bia lái xe gây tai nạn cũng cần xử tội “giết người”Ngoài án lệ nêu trên, theo luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn luật sư TP.HCM, đối với hành vi người sử dụng rượu, bia, chất ma túy hoặc chất kích thích khác khi tham gia giao thông gây tai nạn nghiêm trọng, dẫn đến chết người thì cũng cần truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “giết người”.
“Ô tô, xe máy được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Luật cũng đã quy định người điều khiển phương tiện đặc biệt này đồng thời cũng phải có đủ sức khỏe cả về thể chất và tinh thần mới được tham gia giao thông. Dù hiểu rất rõ điều này nhưng người lái xe vẫn bất chấp, cố tình sử dụng ma túy, rượu bia để đưa mình vào trạng thái gần như mất kiểm soát, gây tai nạn nghiêm trọng dẫn đến chết người thì cần xem đây là hành vi cố ý. Trong trường hợp này cần phải tách hành vi này thành một chế tài khác hoặc dẫn chiếu về điều 123 - tội giết người”, luật sư Hoan kiến nghị.
|
Bình luận (0)