Chỉ còn 1 phương án tăng tuổi nghỉ hưu

06/08/2019 17:28 GMT+7

Sau khi lấy ý kiến nhân dân về dự án bộ luật Lao động (sửa đổi), Bộ LĐ-TB-XH, cho biết chỉ giữ lại 1 phương án tăng tuổi nghỉ hưu trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Chiều nay, 6.8, tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, các đại biểu đã cho ý kiến sơ bộ về định hướng giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án bộ luật Lao động (sửa đổi).
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp, trong 3 tháng qua, Bộ LĐ-TB-XH ngoài tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân góp ý dự thảo trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của bộ và trên các phương tiện thông tin đại chúng, còn chủ trì 8 cuộc hội thảo lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng khác nhau tại các vùng, miền.
“Qua tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người lao động, đa số ý kiến đồng ý điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án 1. Kể từ 1.1.2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035 và tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi vào năm 2028”, ông Diệp nói và cho biết, dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp tới sẽ chỉ quy định phương án 1.
Tuy nhiên, theo ông Diệp, một số ý kiến đề nghị có phương án cụ thể về những trường hợp nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn và những trường hợp nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung; làm rõ căn cứ, cơ sở để quy định khoảng cách tuổi nghỉ hưu là 2 tuổi giữa nam và nữ. Một số ý kiến băn về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non; đề nghị nghiên cứu quy định giảm điều kiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng hưu trí.
Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB-XH đang tiến hành tổng rà soát các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để ban hành một danh mục thống nhất các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm thuộc trường hợp đặc biệt mà người lao động có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn. Dự kiến tháng 9 hoàn thành.
“Đối với một số công việc có tính chất đặc thù như xiếc, thể thao, nghệ thuật sân khấu, giáo viên mầm non… sẽ được quy định theo hướng: khi hết tuổi nghề làm công việc đặc thù thì người lao động sẽ được đào tạo để chuyển đổi sang nghề nghiệp khác phù hợp, trường hợp không chuyển đổi nghề nghiệp được thì có quyền nghỉ hưu sớm”, ông Diệp nói.
Về quy định nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn, ông Diệp cho hay Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu cao hơn cho những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý, và đảm bảo theo 3 nguyên tắc: chỉ làm công việc chuyên môn, không giữ các chức vụ, chức danh lãnh đạo; cơ quan có nhu cầu sử dụng; cá nhân có nguyện vọng và có đủ sức khỏe đáp ứng yêu cầu công việc.
Theo dự thảo bộ luật Lao động sửa đổi công bố ngày 28.4, Bộ LĐ-TB-XH đưa ra 2 phương lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân: phương án 1, từ 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động (LĐ) trong điều kiện LĐ bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam, đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ, cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2: từ 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người LĐ trong điều kiện LĐ bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ, cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.