Chiến thắng chế độ diệt chủng

05/01/2019 08:35 GMT+7

Ủy ban T.Ư MTTQ VN, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị VN và UBND TP.Hà Nội tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và chiến thắng chế độ diệt chủng.

Sáng 4.1, Ủy ban T.Ư MTTQ VN, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam và UBND TP.Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7.1.1979 - 7.1.2019).
Buổi lễ có sự tham dự của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam; ông Tep Ngorn, Ủy viên thường trực Ban Thường vụ Ban Chấp hành T.Ư Đảng Nhân dân Campuchia, Phó chủ tịch Thượng viện Campuchia, Đoàn chủ tịch danh dự Hội đồng quốc gia Mặt trận đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia; hàng trăm cựu chiến binh, quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia...

“Chúng ta chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng và ngồi chờ cái chết”

Tối 4.1, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tổ chức “Chương trình giao lưu nhân chứng lịch sử "Đội quân nhà Phật" trên đất nước Chùa Tháp”. Chương trình có sự tham gia của thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; ông Vũ Mão, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, và đại diện nhiều đơn vị của QĐND Việt Nam.
Tại cuộc giao lưu, những người lính - cựu quân tình nguyện đã chia sẻ với các đại biểu tham dự những câu chuyện, ký ức của mình về “cuộc chiến tranh bắt buộc” khi quân tình nguyện Việt Nam  cùng quân cách mạng Campuchia mở đợt tổng phản công lực lượng diệt chủng Pol Pot vào cuối tháng 12.1978 và 10 năm quân tình nguyện VN ở lại giúp chính quyền Campuchia tiếp tục xây dựng, bảo vệ đất nước.
Lê Hiệp
Nhắc lại truyền thống “ngọt bùi nhớ lúc đắng cay” của dân tộc Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ôn lại lịch sử quan hệ đoàn kết, kề vai sát cánh giữa Việt Nam - Campuchia trong những lúc khó khăn hoạn nạn cũng như trong hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc. “Ngay sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Campuchia chưa kịp hưởng hòa bình lại rơi vào bi kịch lớn khi tập đoàn phản động Pol Pot đặt dân tộc Campuchia trước thảm họa diệt chủng khủng khiếp, chưa từng có trong lịch sử loài người”, sự kiện mà Trung đoàn trưởng Hunsen lúc đó đã nói “chúng ta chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng và ngồi chờ cái chết”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi nhớ bối cảnh lịch sử của cuộc chiến. Không chỉ thế, Pol Pot còn đưa quân gây chiến ở biên giới Tây Nam Việt Nam, giết hàng vạn dân thường, phần lớn là cụ già, phụ nữ, trẻ em, đốt cháy hàng vạn ngôi nhà, tài sản của người dân.
Trong lúc nguy nan, khó khăn nhất của cách mạng Campuchia, cùng với nhiều người dân yêu nước Campuchia lúc đó, Trung đoàn trưởng Hunsen đã đặt niềm tin vào Việt Nam - “nước mà có khả năng giúp đỡ và có thể giúp đỡ chỉ có Việt Nam”. Quân và dân Việt Nam đã chia sẻ khó khăn, giúp đỡ, huấn luyện nhiều cán bộ Campuchia trở thành lực lượng nòng cốt và từng bước phối hợp với lực lượng nổi dậy trong nước đấu tranh chống Pol Pot. Mặc dù còn chưa kịp khắc phục hậu quả nặng nề của hơn 20 năm chiến tranh, nhưng theo lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đã sát cánh cùng nhân dân Campuchia chiến đấu, giải phóng dân tộc Campuchia khỏi nạn diệt chủng, khôi phục, xây dựng đất nước.
Đến ngày 7.1.1979, thủ đô Phnom Penh đã được giải phóng, chiến thắng có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại, đưa nhân dân Campuchia hoàn toàn thoát khỏi chế độ diệt chủng, bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do.
Sau khi tiếp tục cùng lực lượng vũ trang Campuchia truy quét tàn quân Pol Pot, củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng đất nước, phục hồi kinh tế Campuchia từ đống đổ nát, tháng 6.1989, Việt Nam rút hết quân tình nguyện về nước, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế vẻ vang. Thời điểm đó, bài xã luận đăng trên báo Nhân dân của Campuchia đã viết: “Trong những năm cực kỳ bi thảm dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, trên thế giới có không biết bao nhiêu kẻ mạnh, kẻ giàu, nhưng duy nhất chỉ có người bạn láng giềng nghèo Việt Nam đến cứu sống dân tộc ta mà thôi”.

Tình láng giềng hữu nghị mãi mãi như dòng Mê Kông nối liền hai nước

Sau nhiều năm xét xử với hàng trăm ngàn tài liệu, chứng cứ, ngày 16.11.2018, phiên tòa bất thường trong hệ thống Tòa án của Campuchia dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, đã chính thức ra phán quyết các cựu thủ lĩnh của Pol Pot phạm tội ác diệt chủng chống lại nhân loại. “Dù 40 năm đã trôi qua, phán quyết này đã trả lại công lý cho những nạn nhân vô tội bị tàn sát bởi bè lũ diệt chủng Pol Pot và một lần nữa khẳng định tính chính nghĩa và sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của quân tình nguyện Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Chiến thắng chế độ diệt chủng
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại buổi lễ Ảnh: Quang Hiếu
Cũng tại buổi lễ, ông Tep Ngorn cho rằng đây là dịp rất có ý nghĩa để nhớ lại sự anh dũng, quả cảm của quân tình nguyện Việt Nam đã cùng Quân giải phóng Campuchia chiến đấu và chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot - “những người đã tàn sát chính nhân dân nước mình, phá hủy đến tận gốc rễ cơ sở hạ tầng của đất nước, bôi đen danh dự của đất nước trên trường quốc tế”.
“Nhân dịp này, thay mặt Quốc hội, Thượng viện, Chính phủ, Mặt trận và nhân dân Campuchia, một lần nữa tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc nhất, đồng thời luôn ghi nhớ công ơn to lớn không thể nào quên của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, quân đội và nhân dân Việt Nam anh em, đã có những hy sinh to lớn để giải phóng và cứu tổ quốc, nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng tàn bạo, góp phần vào tiến trình tìm kiếm hòa bình cho đất nước Campuchia chúng tôi”, ông Tep Ngorn nói và nhấn mạnh: “Thực tế, sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn kịp thời và hiệu quả của Việt Nam đã góp phần đưa đất nước Campuchia phát triển từ một quốc gia đắm chìm trong chiến tranh, khổ đau, điêu tàn trở thành một quốc gia có hòa bình trọn vẹn, phát triển trên mọi lĩnh vực và thống nhất đất nước”.
Đại diện cho thế hệ trẻ Campuchia, Ngoun Meng Heang, Chủ tịch Hội Học sinh Campuchia tại Việt Nam, nhìn nhận lễ kỷ niệm ngày chiến thắng lịch sử này “cho chúng ta được biết và trân trọng ghi nhớ công ơn cao cả của cán bộ, nam nữ chiến sĩ Mặt trận đoàn kết cứu nước Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam anh hùng đã hy sinh xương máu trong cuộc chiến đấu lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, bảo vệ sự hồi sinh của nhân dân Campuchia, mang lại hòa bình, để nhân dân Campuchia được sống ấm no cho đến ngày nay. Ngày này cũng cho chúng ta biết về tình hữu nghị anh em lâu đời của nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia; là những người bạn tốt, anh em tốt, láng giềng tốt, luôn hy sinh mọi mặt, giúp nhau trong mọi hoàn cảnh”.
Cùng nhau hướng về tương lai tươi sáng của hai nước, hai dân tộc, Thủ tướng chúc quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước mãi mãi như dòng Mê Kông nối liền hai nước.

Quá trình xét xử các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ

Năm 2006, Tòa án đặc biệt xét xử tội ác của chế độ diệt chủng ở Campuchia (ECCC) được thành lập với sự bảo trợ của LHQ.
Tháng 2.2009, ECCC mở phiên tòa đầu tiên xét xử cựu trùm cai ngục Duch (tên thật là Kaing Guek Eav). Hơn một năm sau, Duch bị ECCC tuyên 35 năm tù giam về tội ác chiến tranh và chống lại loài người.
Tháng 6.2011, ECCC bắt đầu mở phiên tòa xét xử 4 nhân vật chóp bu của chế độ diệt chủng, gồm “kiến trúc sư” của chế độ Nuon Chea, cựu Chủ tịch nước Khieu Samphan, cựu Ngoại trưởng Ieng Sary và cựu Bộ trưởng Xã hội Ieng Thirith.
Năm 2013, Ieng Sary chết, còn Ieng Thirith được phóng thích vì mắc bệnh Alzheimer trước khi qua đời hồi tháng 8.2015. Hai nhân vật còn lại là Nuon Chea và Khieu Samphan bị tuyên tù chung thân vì tội ác chống lại loài người, tội chỉ đạo giết người, đàn áp chính trị và những hành vi vô nhân đạo.
Tháng 11.2018, Nuon Chea và Khieu Samphan tiếp tục bị ECCC tuyên án chung thân vì phạm tội diệt chủng đối với cộng đồng dân tộc thiểu số người Chăm và người Việt trong giai đoạn 1975 - 1979. Đây được xem là bản án mang tính lịch sử vì lần đầu tiên phán quyết lên án tội ác diệt chủng của tập đoàn phản động Pol Pot. Chỉ trong 3 năm 8 tháng 20 ngày cai trị, chế độ diệt chủng đã tạo ra “cánh đồng chết”, cướp đi sinh mạng của gần 2 triệu người vô tội. Nhân vật số 1 Pol Pot qua đời năm 1998 và chưa từng bị xét xử.
Văn Khoa

Sự can thiệp nhân đạo

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot, một số chuyên gia quốc tế đã chia sẻ với Thanh Niên về thành quả này. Trong đó, tiến sĩ Jonah Blank và ông Murray Hiebert là những người từng tác nghiệp báo chí tại khu vực Đông Nam Á cho các tờ báo hàng đầu thế giới.

Ngày tái sinh

       
Chuyện VN can thiệp xóa bỏ chế độ Pol Pot đến nay vẫn có hai luồng quan điểm trái ngược. Tuy nhiên, tôi thì nhìn ở quan điểm nhân đạo. Cụ thể, sự can thiệp của VN để xóa bỏ chế độ diệt chủng Pol Pot là sự can thiệp nhân đạo để xóa bỏ tình trạng giết người hàng loạt bắt nguồn từ mong muốn giúp đỡ của những người Campuchia gặp nạn. Nếu không có sự hỗ trợ của VN, sẽ còn có thêm nhiều người vô tội bị tàn sát dã man, và Campuchia sẽ không giành được chiến thắng như vậy trước một chế độ diệt chủng.
Đến nay, nhiều người Campuchia, đặc biệt là các thế hệ lớn tuổi - những người trải qua chiến tranh và bi thảm - vẫn nhắc nhở rằng ngày 7.1 như ngày giải phóng, thậm chí là ngày được tái sinh. Họ đánh giá cao và ghi nhớ sự giúp đỡ của VN.
Ông Sao Phal Niseiy (nhà báo Campuchia)

Lễ kỷ niệm ý nghĩa

       
Khmer Đỏ đã trở thành một trong những chế độ diệt chủng tồi tệ nhất trong lịch sử loài người. Một số lượng lớn người dân Campuchia đã bị sát hại, và hầu hết những người còn lại phải trải qua giai đoạn đau thương. Vì thế, ngày 7.1 thực sự là một lễ kỷ niệm có ý nghĩa đối với người dân Campuchia, thậm chí của mọi người khắp mọi nơi.
Trong khi Khmer Đỏ đang tiến hành những hành động diệt chủng, thì các cường quốc trên thế giới không đoái hoài. Chúng ta cần đảm bảo rằng những bi thương đã nằm trong ký ức đó sẽ không còn tái diễn.
Tiến sĩ Jonah Blank (chuyên gia tại Công ty tư vấn RAND)

Giải thoát người dân Campuchia

       
Chắc chắn rằng chiến thắng của VN trước chế độ Pol Pot đã giải thoát người Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, đem đến cơ hội để họ tiếp tục cuộc sống. Nhiều người có cơ hội tự do tìm cuộc sống mới, tự lo cho cuộc sống của mình giữa điều kiện kinh tế thị trường. VN đã phải chịu rất nhiều áp lực khi can thiệp để đem lại những điều đó cho người dân Campuchia.
Ông Murray Hiebert (Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á - CSIS)

Chỉ khi nào chết mới quên được

“Tôi nói với con trai, đã hơn 40 năm trôi qua nhưng chỉ khi nào chết tôi mới quên được những đau xót. Sự tra tấn tàn bạo trong “chế độ bọn áo đen”, nếu ai chưa từng trải qua thì sẽ không thể biết thế nào là nỗi sợ hãi, là đói, là lao động cực nhọc triền miên, là không có cái mặc, cuộc sống không có tự do, ốm đau không thuốc điều trị, nhiều người đã phải bỏ mạng... Những tội ác ấy của Pol Pot - Ieng Sary, cho dù có dùng giấy bằng cả diện tích trái đất, dùng mực của cả đại dương cũng không thể nào viết hết.
Ngày 7.1.1979 đã mở ra trang sử độc lập, mang lại ánh sáng tự do cho những con người vô vọng chỉ biết tuyệt vọng chờ chết. Chúng ta may mắn được bắt đầu cuộc đời mới từ đống hoang tàn đầy máu và nước mắt. Hòa bình là tài sản vô giá của toàn dân tộc. Có hòa bình mới có ngày hôm nay, vì nó có được từ sự hy sinh xương máu của hàng vạn anh hùng Quân tình nguyện VN cùng bộ đội Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước và hàng triệu người dân Campuchia. Công ơn, nghĩa cử trời bể ấy sẽ luôn khắc sâu trong trang sử chúng ta. Ai mà không biết ơn ngày 7.1.1979 thì không chỉ là người vô ơn đối với người đã cứu giúp mình, mà còn xem thường hơn 3 triệu linh hồn người dân Campuchia đã bị chết oan uổng bởi chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary”...
Thiếu tướng Neang Sat (Phó chánh văn phòng Bộ Tư lệnh Quân cảnh, Quân đội Hoàng gia Campuchia)
Ngô Minh Trí - M.T.H (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.