Vận chuyển pháo lậu bằng xe sang
Khác với tất cả các mặt hàng nhập lậu khác, pháo lậu thường được vận chuyển bằng ô tô 4 chỗ, 7 chỗ hoặc xe hơi tiền tỉ nhằm tránh sự kiểm soát gắt gao của các lực lượng biên phòng, công an, hải quan... đang vây ráp trên tuyến QL9.
tin liên quan
Tết chưa đến, con buôn 'pháo lậu' đã… hoành hành!Theo tìm hiểu của Thanh Niên, từ đầu tháng 10 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị đã phát hiện 6 vụ vận chuyển pháo lậu với tổng số pháo thu giữ là 1.174 kg. Trong một lần trao đổi với Thanh Niên, thiếu tá Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Phòng CSGT (Công an tỉnh Quảng Trị), cho rằng nguyên nhân chính dân buôn pháo lậu hoạt động như “con thiêu thân” là vì lợi nhuận quá khủng.
Theo thiếu tá Tuấn, trung bình mỗi hộp pháo hoa mua tại vùng biên giới chỉ khoảng 150.000 đến 200.000 đồng/hộp, nhưng khi mang trót lọt về Quảng Bình hoặc các địa phương khác thì có thể bán với giá gấp đôi, thậm chí gấp ba...
Chưa hết, dân buôn pháo lậu dọc tuyến QL9 dù lộng hành nhưng rất tinh ranh, không bao giờ mua bán pháo nổ mà chỉ mua bán pháo hoa. Vì họ biết rằng theo quy định hiện hành, mua bán pháo nổ thì sẽ “dính” tới luật hình sự, trong khi mua bán pháo hoa chỉ bị phạt hành chính...
|
|
Mạnh tay xử phạt hành vi mua bán pháo lậu
Thiếu tá Nguyễn Xuân Hiển (Đội trưởng Đội trinh sát đặc nhiệm, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị) cho biết thời gian qua đơn vị đã bắt khá nhiều vụ vận chuyển pháo lậu nhưng theo quy định tại Khoản 4 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hầu hết các vụ việc này sẽ chỉ bị xử lý hành chính với mức phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng.
Có thể thấy, mức phạt này chẳng là gì so với lợi nhuận mà dân buôn pháo lậu thu được khi chuyến hàng trót lọt. “Tôi nghĩ cấp trên và những cơ quan ban hành luật cần phải có chế tài, mức xử lý mạnh tay hơn với loại buôn lậu này”, thiếu tá Hiển nói.
|
Trong khi đó, một cán bộ của Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cho biết trong quá trình đơn vị xử lý các vụ buôn lậu pháo hoa thì Viện KSND tỉnh Quảng Trị có ý kiến và gửi các văn bản mới của TAND tối cao và Viện KSND tối cao hướng dẫn việc xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán “pháo hoa nổ”.
Theo đó, ngày 22.12.2017, TAND tối cao ra văn bản chỉ rõ, pháp luật hiện hành chỉ có quy định về “pháo nổ” và “pháo hoa”, không có quy định về “pháo hoa nổ”. Do đó, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn để xác định vật chứng thu giữ là pháo nổ hay pháo hoa.
Trong trường hợp kết luận giám định của cơ quan chuyên môn xác định vật chứng thu giữ là pháo nổ hoặc có đầy đủ đặc tính của pháo nổ (có chứa thuốc pháo và gây tiếng nổ) thì xem xét, xử lý về hình sự, không phụ thuộc vào việc loại pháo này có các đặc tính khác (như tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc...).
|
Ngày 10.1.2018, Viện KSND tối cao cũng ra văn bản đồng tình với quan điểm của TAND tối cao trong việc xử lý “pháo hoa nổ”.
“Tôi cho rằng, đây rõ ràng là một hướng xử lý đúng để tăng tính răn đe, tránh việc các con buôn pháo lậu nhờn thuốc, tiếp tục hành vi xem thường pháp luật như lâu nay”, thiếu tá Nguyễn Chí Thanh, Phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, cho biết.
Bình luận (0)