Trước đó, tại cuộc họp về vấn đề này cuối tháng 7 vừa qua, có sự tham gia của các Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT), Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học - Công nghệ, UBND tỉnh Bình Thuận, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam,..., Bộ TN-MT đã báo cáo Chính phủ phương án không nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn nạo vét từ nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuông biển Bình Thuận gần khu bảo tồn Hòn Cau.
Đến nay, nguồn tin của Thanh Niên cho biết, Chính phủ đã đồng ý phương án của Bộ TN-MT đề xuất trên cơ sở thống nhất với UBND tỉnh Bình Thuận, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).
Cụ thể, phương án Bộ TN-MT đề xuất được Chính phủ đồng ý là sử dụng bùn nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 để san lấp vào khu lấn biển của Cảng tổng hợp thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân nhằm đảm bảo tiến độ của dự án và an ninh năng lượng của các tỉnh khu vực phía Nam.
Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo chủ đầu tư các dự án trong Trung tâm điện lực Vĩnh Tân có phương án sử dụng vật, chất nạo vét, để san lấp lấn biển tại Cảng tổng hợp và thực hiện các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật để thực hiện giải pháp nêu trên.
Bộ TN-MT hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện điều chỉnh các nội dung về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật.
Về giải pháp tổng thể xử lý vật chất nạo vét các cảng, luồng lạch các cảng thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Chính phủ giao Bộ Công thương, Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT, Bộ Giao thông vận tải trong phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền được giao và theo quy định của pháp luật phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các chủ đầu tư lập dự án sử dụng vật, chất nạo vét tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân để nhận chìm, san lấp, lấn biển, chống xói lở bờ biển và các dự án phát triển hạ tầng khác, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tại địa phương, bảo vệ môi trường.
Bộ NN-PTNT được giao chủ trì phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển, các tổ chức quốc tế nghiên cứu khảo sát, quy hoạch các vị trí sử dụng vật, chất nạo vét để lấn biển, chống sạt lở bờ biển đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.
Bộ TN-MT phối hợp Bộ NN-PTNT, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các địa phương có biển tiếp tục nghiên cứu, quy hoạch các vị trí có thể nhận chìm ở biển đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.
tin liên quan
Không nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn cát nạo vét xuống vùng biển gần Hòn CauTheo phương án đề xuất lên Chính phủ của Bộ Tài nguyên - Môi trường, sẽ không nhận chìm gần 1 triệu m3 vật, chất nạo vét từ nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống biển Bình Thuận, khu vực gần khu bảo tồn Hòn Cau.
Bình luận (0)