'Lấy ý kiến Mặt trận chỉ để hợp thức hóa quy trình'

30/08/2018 11:25 GMT+7

GS-TS Trần Ngọc Đường đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng trên khi nói về những hạn chế trong việc tham gia xây dựng các văn bản pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam .

Phát biểu tại hội thảo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) với nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách pháp luật diễn ra sáng nay, 30.8, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật của MTTQ Trần Ngọc Đường nói: "Thực tiễn chỉ ra rằng, công đoạn lấy ý kiến của MTTQ Việt Nam dường như để hợp thức hóa quy trình chứ không phải là lấy ý thực sự. Vì vậy, việc cử người đến tham dự để giải trình tiếp thu không phù hợp, tài liệu văn bản thì "nước đến chân" mới gửi, không kịp nghiên cứu và cho ý kiến".
GS Đường cho rằng, đây chính là một trong những nguyên nhân chính khiến chất lượng phản biện xã hội và góp ý đối với một số văn bản quy phạm pháp luật của Mặt trận chưa cao.
Một bất cập khác được GS Đường chỉ ra là hầu hết các văn bản pháp luật được đưa đưa ra phản biện là do yêu cầu của cơ quan soạn thảo, MTTQ các cấp không thể chủ động đưa vào chương trình phản biện hàng năm, do đó, hội đồng tư vấn, ban tư vấn, tổ tư vấn không thể chủ động chuẩn bị một cách tốt nhất cho các cuộc phản biện.
Do đó, ông Đường cho rằng pháp luật cần cụ thể hoá hơn nữa văn bản nào là văn bản cần được phản biện xã hội và quy trình phản biện xã hội trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, ông Đường cho rằng, hiện nay luật cũng chưa quy định trách nhiệm phản hồi văn bản phản biện xã hội của cơ quan có thẩm quyền soạn thảo văn bản nên không biết kết quả phản biện ra sao, không có điều kiện để rút kinh nghiệm và phát huy vai trò của phản biện xã hội; các thành viên tham gia phản biện không biết ý kiến của mình được tiếp thu hay không nên không tạo ra được nguồn lực để động viên, khích lệ.
"Luật cần quy định trách nhiệm trả lời văn bản phản biện xã hội của MTTQ các cấp, trong đó chỉ rõ đã tiếp thu, sửa chữa văn bản những ý kiến gì, ý kiến nào không tiếp thu, vì sao", ông Đường kiến nghị.
GS Đường cũng kiến nghị nâng cao chất lượng của các cuộc họp phản biện xã hội và góp ý và văn bản quy phạm pháp luật của MTTQ. Đặc biệt, cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần phải cử người có trách nhiệm tới các cuộc họp phản biện xã hội và các cuộc họp góp ý để vừa thể hiện sự trân trọng cuộc họp, vừa đủ trình độ để tiếp thu và giải trình tại các cuộc họp.
“Hồi tôi tham gia Ủy ban pháp luật của Quốc hội, khi đó nếu cử vụ trưởng đến họp là giải tán, không cho họp, ít nhất phải cử thứ trưởng đến tham gia, đại diện cơ quan soạn thảo, để trình bày với Ủy ban, vì người có trách nhiệm mới hiểu được vấn đề, mới lĩnh hội được ý kiến, chứ cử những người như thư ký đến thì không có tác dụng gì”, ông Đường góp ý.
Ngoài ra, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cũng cho rằng cần tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thẩm tra (các ủy ban của Quốc hội) với các hội đồng tương ứng của MTTQ các cấp.
"Sự phối hợp này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng văn bản trước khi cơ quan có thẩm quyền thông qua, giúp cơ quan thẩm tra nắm bắt được đầy đủ, thực chất các ý kiến vào việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật", ông Đường nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.