'Chợ đen' tiền ảo

12/03/2020 06:00 GMT+7

Nhiều sàn giao dịch trực tuyến được lập ra làm trung gian mua bán, trao đổi tiền ảo. Sàn ảo nhưng một lượng lớn tiền thật đang được giao dịch phi pháp, thách thức pháp luật.

Trong vai người đang có tiền nhàn rỗi, muốn tìm hiểu về cách thức mua bán các loại tiền ảo để kiếm lợi nhuận chênh lệch, chúng tôi được giới thiệu với một nhóm nhà đầu tư đang bung lượng tiền khá lớn vào thị trường này. Gặp nhau tại một quán cà phê ở phố cổ Hà Nội, Lộc, trưởng nhóm này, tư vấn cho chúng tôi rất nhiệt tình, và cho biết thị trường giao dịch tiền ảo hiện rất sôi động, chủ yếu được chia thành 2 “chợ”: chợ đen và các sàn trung gian.

Hàng ngàn tỉ “chảy ngầm”

Chợ đen tiền ảo hoạt động chủ yếu theo nhóm kín trên các mạng xã hội. Thành viên của các nhóm này đăng thông tin về nhu cầu mua, bán, hoặc trao đổi tiền ảo. Nếu “khớp lệnh”, các thành viên sẽ trực tiếp giao dịch với nhau. Hình thức này tuy nhanh chóng, thuận tiện, dễ chốt lãi cao nhưng rủi ro cũng cao. Uy tín của người mua, người bán tiền ảo trên mạng chỉ dựa vào đánh giá của các thành viên kỳ cựu trong nhóm. Do vậy, những người giao dịch trên chợ đen luôn phải cảnh giác cao độ vì rất nhiều vụ lừa đảo, giả danh đã xảy ra.
Để tránh rủi ro của thị trường chợ đen, hầu hết các nhà đầu tư đành chịu mất phí, đổ tiền vào các sàn giao dịch tiền ảo đang hoạt động rầm rộ trên mạng, như Remitano, Sàn Tiền Ảo, Anliniex, Fiahub, VCC Exchange, Kenniex, Vicuta... Các sàn này đều chấp nhận phần lớn các loại tiền ảo phổ biến nhất thế giới như Bitcoin, Ethereum, Tether USDT, Riiple, Litecoin...
Để mua bán tiền ảo trên các sàn, người dùng chỉ cần vào đăng ký thành viên, khai báo thông tin, nạp tiền Việt hoặc tiền ảo vào sàn là có thể bắt đầu giao dịch. Khi có tài khoản, việc mua bán tiền ảo giữa người dùng ở các sàn này khá đơn giản, tương tự việc bán hàng, mua hàng trên Tiki, Lazada... với mức phí nhỏ trích lại cho sàn. Để thu hút người dùng, các sàn còn thường xuyên giảm phí hoặc miễn phí giao dịch.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, tổng khối lượng giao dịch trên các sàn tiền ảo tại Việt Nam hiện tại rất lớn, lên đến hàng trăm tỉ đồng mỗi ngày. Dữ liệu từ website coin.dance cho thấy khối lượng giao dịch theo tuần tại Việt Nam khoảng 1.800 tỉ đồng/tuần, trong khi đó, tại những thời kỳ đồng Bitcoin đạt giá đỉnh điểm vào năm 2018, khối lượng giao dịch mỗi tuần tại Việt Nam lên tới 4.600 tỉ đồng; năm 2019, có nhiều thời điểm lên tới 4.000 tỉ đồng/tuần. Chỉ tính riêng sàn giao dịch Remitano, theo thống kê công khai cuối năm ngoái cho thấy, lượng giao dịch bình quân hàng ngày từ 70 - 100 tỉ đồng…

Mờ ám giao dịch tiền ảo

Để chúng tôi dễ hình dung, Lộc cho xem qua một vài nhóm mua bán tiền ảo “chợ đen” lớn với gần 10.000 thành viên trên mạng xã hội Telegram. Các dòng tin rao bán, rao mua liên tục nhảy lên trên màn hình. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy những dòng tin rao mua, rao bán có giá trị đến cả tỉ đồng. Những giao dịch từ 1 - 3 Bitcoin (có giá thị trường gần 250 triệu đồng/Bitcoin) hoặc 20.000 - 50.000 USTD (một dạng tiền ảo, tương đương 20.000 - 50.000 USD, quy đổi bằng gần 500 triệu đồng đến hơn 1 tỉ đồng) thường xuyên được xác lập ngay trên nhóm chat.
Tuy vậy, Lộc khẳng định thị trường tiền ảo chợ đen còn "chưa là gì" so với khối lượng giao dịch trên các sàn. Trong quá trình thu thập tài liệu và mở rộng tiếp xúc với những người, nhóm người “chơi tiền ảo” khác, chúng tôi nhận thấy đánh giá của Lộc hoàn toàn có cơ sở. Vào website của các sàn giao dịch tiền ảo, dễ dàng nhận thấy các “mặt hàng” tiền ảo khác nhau được thiết kế “trưng bày” rất trực quan. Số lượng tiền ảo rất đa dạng, giá mua hoặc bán đều được niêm yết bằng VND.

'Chợ đen' tiền ảo2

Việt Nam nằm trong top những nước có người dân quan tâm đến tiền ảo

Ảnh: Đình Trường

Đi sâu tìm hiểu về hoạt động của những sàn tiền ảo, chúng tôi tạo tài khoản và thử tiến hành giao dịch. Nếu có tiền ảo, người dùng cần chuyển chúng vào “ví” được lập trên các sàn này trước khi rao bán. Nếu cần mua tiền ảo của thành viên khác đang rao bán trên sàn, “người chơi” phải nạp tiền mặt vào các tài khoản do sàn chỉ định. Ở "công đoạn" này, chúng tôi bắt đầu phát hiện ra các hoạt động đầy mờ ám.

Nạp tiền mặt vào sàn cho “công ty ma”

Chỉ sau vài thao tác khai báo trên điện thoại, chúng tôi dễ dàng tạo được tài khoản ở bất kỳ sàn giao dịch tiền ảo nào. Các sàn tiền ảo còn cho phép người dùng tải về ứng dụng trên điện thoại thông minh để dễ dàng sử dụng.
Đáng chú ý, một điểm chung nữa của các sàn này là không một sàn nào có tên miền có đuôi “.vn”, dạng tên miền mà cơ quan chức năng Việt Nam có thể giám sát theo quy định của pháp luật. Các sàn giao dịch tiền ảo đều có tên miền quốc tế và không có bất kỳ thông tin nào về tổ chức hay cá nhân đứng đầu, chịu trách nhiệm vận hành. Đặc biệt, người dùng nạp tiền thật vào để mua tiền ảo tại sàn này đều phải chuyển khoản đến cho một số cá nhân hoặc tổ chức đầy “bí ẩn”.
Theo phân tích từ trang www.similarweb.com, số lượng truy cập từ Việt Nam vào trang coinmarketcap.com đứng thứ 5 trên thế giới (khoảng 3,7 triệu truy cập), binance đứng thứ 4 (khoảng 2,6 triệu truy cập), okex.com đứng thứ 3 (khoảng 0,18 triệu truy cập), hbg.com đứng thứ 2 (khoảng 2,6 triệu truy cập), bittrex đứng thứ 3 (khoảng 0,54 triệu truy cập).
Các thống kê sơ bộ này cũng để thấy, tiền ảo nhận được sự quan tâm của người Việt đến mức nào.
Đơn cử, tại sàn tiền ảo Remitano, theo quảng cáo là “sàn giao dịch số 1 Việt Nam”, được thành lập và có trụ sở tại Cộng hòa Seychelles ở châu Phi, yêu cầu chúng tôi phải chuyển tiền vào tài khoản có tên “CTY TNHH TM DV MY PHAM HOANG THI” (STK 0511000462XXX - Vietcombank) để giao dịch. Tuy nhiên, đây có dấu hiệu là một “công ty ma” khi theo tài liệu tra cứu cho thấy CTY TNHH TM DV MY PHAM HOANG THI bị đánh dấu “Người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký”. Đồng thời, công ty này đăng ký các ngành nghề kinh doanh không liên quan gì đến việc nhận tiền của người tham gia sàn tiền ảo.
Không dừng lại ở đó, mỗi lần thực hiện giao dịch nạp tiền mặt vào tài khoản trên sàn, website của Remitano lại chỉ dẫn đến tài khoản của các cá nhân, doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh cá thể khác nhau. Đặc biệt, chúng tôi có thể thống kê được hàng chục tài khoản không hề trùng lặp. Nếu bán được tiền ảo trên sàn, tài khoản ngân hàng của chúng tôi sẽ nhận được tiền từ tài khoản của cá nhân hoặc tổ chức bất kỳ, dưới sự điều phối của các sàn... (còn tiếp)
Pháp luật Việt Nam không công nhận tiền ảo
Trong các quy định của pháp luật hiện hành (bao gồm cả luật Dân sự năm 2015) chưa có quy định cụ thể về tài sản ảo (bao gồm cả tiền ảo với tư cách là một loại hình tài sản ảo).
Tuy nhiên, theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16.5.2013 của Chính phủ về thương mại điện tử, thì các loại tiền ảo (ví dụ như Bitcoin) không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh bị cấm theo hình thức thương mại điện tử. Theo quan điểm của Bộ Công thương, “Bitcoin không đáp ứng các đặc tính cơ bản của hàng hóa hay dịch vụ. Do đó, Bitcoin không phải là hàng hóa, dịch vụ”.
Ngoài ra, từ tháng 4.2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về một số giải pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo. Trong đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng không được thực hiện các giao dịch thanh toán, giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán, chuyển đổi tiền tệ, giao dịch thanh toán, chuyển tiền qua biên giới… có liên quan tới tiền ảo…
Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an), hoạt động mua bán, giao dịch tiền ảo hiện nay chủ yếu thông qua tài khoản ngân hàng. Để đối phó với cơ quan chức năng, các sàn giao dịch tiền ảo yêu cầu nhà đầu tư khi chuyển tiền không sử dụng các ngôn ngữ “nhạy cảm” liên quan đến tiền ảo, đồng thời không sử dụng tài khoản cố định mà liên tục thay đổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.