'Cho tôi ra khỏi hộ nghèo'

01/04/2020 09:00 GMT+7

Hơn 500 hộ dân ở huyện miền núi Nghệ An đã tự nguyện làm đơn 'cho tôi ra khỏi hộ nghèo'. Với họ, cứ nghèo mãi là hèn, là đáng xấu hổ.

Nghèo mãi thấy xấu hổ

Trời mưa, con đường dẫn vào bản Thạch Tiến (xã Thạch Ngàn, H.Con Cuông, Nghệ An) lẹp nhẹp bùn đất. Căn nhà xây, lợp ngói của vợ chồng ông Lưu Đình Ấn nằm khuất sau những rặng cây. Ông Ấn là người đầu tiên ở huyện này làm một điều "khác người" vào 8 năm trước, khi... viết đơn ra khỏi hộ nghèo.
Ông Ấn là thương binh, vợ chồng ông có 3 mặt con, nhưng 1 người con trai đã mất vì bị nhiễm chất độc da cam từ cha. Ông kể, ông bị bệnh u bàng quang, phải nhiều lần đến bệnh viện điều trị. Năm 2012, khi đã ở tuổi 64, thấy bệnh sắp khỏi, là người được dân bản bầu làm già làng uy tín, nên ông quyết định ra khỏi hộ nghèo. Ông viết một lá đơn, nêu hoàn cảnh gia đình và nguyện vọng được ra khỏi hộ nghèo để tự làm ăn, không dựa dẫm vào sự hỗ trợ của nhà nước nữa. “Tôi muốn làm gương cho con cái và dân bản rằng, nghèo mãi là hèn, phải biết xấu hổ. Mình ở rừng, đất đai nhiều, phải tự tay mình làm mà ăn, đừng trông chờ vào ai khác”, ông nói.
Lá đơn “kỳ lạ” của ông Ấn được gửi cho trưởng bản. Trưởng bản ngạc nhiên, mang đơn lên cho xã. Lá đơn được xã “thụ lý” và đồng ý cho ông ra khỏi hộ nghèo. Ông Ấn viết đơn đầu năm thì cho đến cuối năm đó, có 23 gia đình khác trong xã Thạch Ngàn cũng làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Những lá đơn tự nguyện do người dân tự tay viết gửi cho xã với lý do: không muốn ỷ lại, dựa dẫm vào nhà nước nữa.

Những lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo ở H.Con Cuông, Nghệ An

Để thoát nghèo, vợ chồng ông Ấn vay vốn đầu tư nuôi bò, dê, gà. Thu nhập từ chăn nuôi cũng giúp gia đình ông tốt hơn nhiều. “Tuổi già, làm giàu thì khó nhưng để đủ ăn, đủ mặc thì chả có chi khó, nằm ở đôi tay mình cả”, ông nói. Cách nhà ông Ấn không xa là nhà của vợ chồng anh Lưu Đình Ngà và vợ chồng anh Lưu Đình Thợi. Anh Ngà và anh Thợi năm đó cũng làm đơn ra khỏi hộ nghèo. Cuộc sống của 2 gia đình này giờ cũng đã khá hơn rất nhiều. Khi tôi đến, cả hai anh đang đi lao động ở nước ngoài. Xã Thạch Ngàn đã có 55 gia đình tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo để tự thoát nghèo. Ông Vi Văn Định, Phó chủ tịch UBND xã, nói hằng năm, xã đều khảo sát các gia đình này và họ đều đã thoát nghèo, một số hộ đã khá giả. Sau khi làm đơn ra hộ nghèo, họ được xã ưu tiên vay vốn làm ăn, hỗ trợ vật nuôi. Nhiều gia đình trẻ trong số đó cũng đã thoát nghèo nhờ cần cù làm ăn.

"Quyết định ra khỏi hộ nghèo là đúng"

Tôi tìm đến nhà cụ Lang Văn Tần (87 tuổi) ở bản Liên Sơn (xã Lục Dạ, H.Con Cuông), người 5 năm trước cũng gây bất ngờ cho dư luận khi viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Căn nhà cũ, thưng bằng phên nứa không có tài sản gì đáng giá ngoài cái quan tài kê ở góc nhà mà cụ đã chuẩn bị sẵn cho mình. Cụ kể, vợ mất, hơn 20 năm qua, cụ sống một mình trong căn nhà này vì các con đều đã có gia đình riêng. Tuổi già, không thể lên rừng được nên cụ bị rơi vào hộ nghèo. Trong buổi đi dự họp bình xét hộ nghèo của năm đó, thấy nhiều người còn khỏe mạnh giành nhau được công nhận hộ nghèo để được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước, cụ rất buồn. “Về nhà, tui quyết định viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo vì nghĩ hưởng chính sách mãi cũng xấu hổ. Tui muốn làm gương cho con cháu, phải tự tìm cách mà thoát nghèo, không nên ngồi trông chờ vào nhà nước”, cụ kể.

“Tôi muốn làm gương cho con cái và dân bản rằng, nghèo mãi là hèn, phải biết xấu hổ. Mình ở rừng, đất đai nhiều, phải tự tay mình làm mà ăn, đừng trông chờ vào ai khác”

Ông Lưu Đình Ấn (xã Thạch Ngàn, H.Con Cuông)

Bà Lô Thị Mậu, Chủ tịch UBND xã Lục Dạ, nói sau khi cụ Tần nộp đơn, xã rất trân trọng quyết định này và tặng bằng khen cho cụ vì đã làm gương sáng cho cộng đồng, nhưng vẫn để cụ được hưởng chính sách hộ nghèo vì cụ rất khó khăn. Lá đơn của cụ Tần đã “đánh thức” được nhiều người và năm đó có 10 gia đình khác trong xã cũng làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
Ông Lương Văn Thành (ở bản Mét, xã Lục Dạ), một trong số 10 gia đình năm đó xin ra khỏi hộ nghèo, kể thấy cụ Tần nộp đơn, vợ chồng ông cũng bàn nhau làm đơn vì mình còn khỏe, không tự thoát nghèo để làm gương cho con cái cũng thấy xấu hổ. Sau khi xin ra khỏi hộ nghèo, gia đình ông được vay 30 triệu đồng để làm ăn. Ông mua trâu để nuôi, mua máy cày để sản xuất. Sau 5 năm, cuộc sống gia đình ông khấm khá hơn nhiều. “Tui thấy quyết định ra khỏi hộ nghèo là đúng. Có quyết tâm thoát nghèo, mình mới có động lực thoát được”, ông Thành nói.
'Cho tôi ra khỏi hộ nghèo'

Sau khi xin ra khỏi hộ nghèo, ông Lương Văn Thành (xã Lục Dạ) mua máy cày để sản xuất và gia đình ông đã thoát nghèo

Ảnh: Khánh Hoan

Những lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo ngày càng nhiều thêm, nhất là với những gia đình trẻ. Năm 2019, vợ chồng chị Tống Thị Tám (ở bản Mét, xã Lục Dạ) cũng làm đơn ra khỏi hộ nghèo. Chị Tám kể, năm 2012, vợ chồng chị cưới nhau, bố mẹ hai bên đều khó khăn nên vợ chồng bắt đầu sự nghiệp với căn nhà tranh. Năm 2015, anh Ngân Văn Tư, chồng chị, bị tai nạn giao thông, sức khỏe giảm sút nên không lao động nặng được. Cuộc sống càng khó khăn khi 2 đứa con ra đời. Rồi điều may mắn cũng đến, sức khỏe anh Tư phục hồi dần. Năm 2019, vợ chồng chị làm đơn ra khỏi hộ nghèo. “Nhà nước đã hỗ trợ nhiều rồi, vợ chồng em còn trẻ, không muốn thêm gánh nặng cho nhà nước nên em xin ra hộ nghèo”, chị Tám nói. Sau khi ra khỏi hộ nghèo, vợ chồng chị được vay 40 triệu đồng mua 3 con bò để nuôi, được hỗ trợ để xóa nhà tạm và vợ chồng chị vừa xây được căn nhà mới.

Thoát nghèo bắt đầu từ thay đổi nhận thức

Con Cuông có gần 80.000 dân, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm hơn 75% trong số đó. Rừng thênh thang, nhưng chủ yếu là rừng đặc dụng và phòng hộ, đất rừng sản xuất rất ít. Ruộng nước chia đầu người cũng chỉ khoảng 200 m2. Ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch UBND H.Con Cuông, nói trong điều kiện thế này, tuyên chiến với đói nghèo là không dễ. Xóa đói, giảm nghèo luôn đặt trên bàn nghị sự của lãnh đạo huyện từ nhiều nhiệm kỳ qua, nhưng tìm được hướng đột phá là bài toán khó.
'Cho tôi ra khỏi hộ nghèo'

Vợ chồng chị Tống Thị Tám xin ra khỏi hộ nghèo và được vay vốn mua 3 con bò để nuôi, sau đó đã thoát nghèo

Từ năm 2004, Huyện ủy Con Cuông phải ra một nghị quyết chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại của cán bộ từ huyện đến xã để thay đổi nhận thức của cán bộ trước. Sau đó mới đến lượt vận động người dân. Ông Sơn kể, ông từng nhiều lần chạy xe máy xuống với dân, tiếp xúc với họ và ông hiểu, người đồng bào thiểu số dám nghĩ nhưng lại không dám làm. Họ sợ gặp khó nên thường chọn cách an phận. Đó cũng là nguyên nhân khiến người dân mãi quẩn quanh trong đói nghèo. Vì thế, khi vận động dân tìm cách thoát nghèo, chính quyền huyện đã phải tìm kiếm các nguồn hỗ trợ cho dân, cung cấp cho họ “cái cần câu” thay vì con cá để khuyến khích dân phát triển kinh tế hộ gia đình, chứ không chỉ nói suông.
“Người dân làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo khi họ đang thực sự nghèo, chúng tôi mừng vì họ đã thay đổi nhận thức nhưng cũng thấy xót lắm. Khi họ đã ý thức muốn tự thay đổi cuộc sống, chính quyền sẽ tạo điều kiện tốt nhất để họ có phương tiện làm ăn, sớm thoát nghèo”, ông Sơn nói. Đến cuối năm 2019, ở Con Cuông đã có 523 gia đình làm đơn ra khỏi hộ nghèo gửi lên huyện. Theo ông Sơn, ra khỏi hộ nghèo là do dân tự quyết định và tự tay làm đơn, chính quyền không can thiệp vì thành tích. Sau khi xin ra hộ nghèo, những gia đình này được ưu tiên vay vốn, hỗ trợ giống cây, vật nuôi để làm “cần câu” thoát nghèo và theo kết quả khảo sát của Phòng LĐ-TB-XH huyện này, vài năm sau khi làm đơn, họ đều đã thoát nghèo thành công.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.