Cho vay nặng lãi có thể đi tù, còn người vay nặng lãi có phạm tội?

17/04/2018 18:00 GMT+7

Theo các chuyên gia pháp lý, những người cho vay nặng lãi sẽ bị xử lý hình sự với mức án cao nhất 3 năm tù, ngoài ra còn bị phạt gấp 5 lần số tiền thu lợi bất chính.

Thời gian gần đây, một số người dân sau khi vay nặng lãi đã không đủ khả năng trả gốc lẫn lãi, dẫn đến việc kẻ cho vay khủng bố tinh thần, thậm chí còn dọa giết. Trả lời PV Thanh Niên, các chuyên gia pháp lý cho biết những người cho vay nặng lãi tùy mức độ sẽ bị xử lý hình sự với mức án cao nhất là 3 năm tù, ngoài ra còn bị phạt gấp 5 lần số tiền thu lợi bất chính.
Như Thanh Niên đã đưa tin, giữa năm 2013, vì cần vốn làm ăn, thông qua người quen, bà N.T.N.N (ngụ Q.10) vay của bà H.T.A.Ng (ngụ P.2, Q.8, TP.HCM) 700 triệu đồng. Ngày 17.1.2017 bà N bị buộc ký giấy nợ 9,4 tỉ đồng. Còn bà N.T.L (ngụ Q.12), năm 2013 có vay bà Ng. 1,7 tỉ đồng, đến tháng 10.2017, vợ chồng bà Ng. đến nhà bà L. bắt ký giấy nợ 18 tỉ đồng nhưng bà L. không chấp nhận. Bà Ng. dọa nếu không trả sẽ bị người lạ nhắn tin, gọi điện đe dọa và đến nhà khủng bố khiến những người vay tiền sống trong cảnh sợ hãi.
Gấp 10 lần mức lãi suất quy định bị coi là nặng lãi
Luật sư (LS) Huỳnh Công Thư, Chủ tịch Hội đồng kỷ luật khen thưởng của Đoàn LS tỉnh Long An, đánh giá gần đây hiện tượng cho vay nặng lãi diễn ra ngày càng phổ biến và để lại những hậu quả khôn lường. Qua thông tin từ hai nạn nhân vay tiền của bà Ng., đủ căn cứ xác định hành vi của bà Ng. phạm tội cho vay nặng lãi theo qui định tại điều 163 BLHS 1999 và tội cưỡng đoạt tài sản theo qui định tại điều 135 BLHS 1999.
Theo LS Thư phân tích, điều 163 BLHS 1999 qui định rõ hành vi cho vay cao hơn mức lãi suất mà pháp luật qui định từ 10 lần trở lên và có tính chất bóc lột thì thỏa mãn cấu thành tội phạm tội này. Về mức cho vay quá 10 lần được tính theo qui định của khoản 1 điều 476 BLDS 2005, các bên có thể thống nhất vay với lãi suất không quá 150% lãi suất cơ bản của NHNN công bố tại thời điểm cho vay. "Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất cơ bản trong thời điểm nhất định là 1% /tháng. Như vậy, các bên có quyền cho vay không quá 1,5%/tháng. Nhưng nếu bên cho vay với lãi suất từ 15%/tháng trở lên là được cho là cho vay lãi nặng", LS Thư nói.
LS Thư nhấn mạnh, tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay lãi nặng thể hiện ở chỗ người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính. Mức hình phạt đối với tội cho vay nặng lãi cao nhất là 3 năm tù, ngoài ra người phạm tội còn bị phạt tiền gấp 5 lần số tiền thu lợi bất chính từ việc cho vay nặng lãi
Ngoài ra, với hành vi khách quan là cưỡng ép viết giấy nợ, LS Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng nếu con nợ bị buộc phải viết mà không còn cách nào khác nhằm cưỡng đoạt tài sản thì bà Ng. và những người đồng phạm có thể bị truy cứu thêm tội cưỡng đoạt tài sản, tội phạm được qui định tại điều 135 BLHS 1999 có mức hình phạt cao nhất đến 20 năm tù.
Người vay nặng lãi có phạm tội?
Theo LS Huỳnh Công Thư, theo qui định của pháp luật, những người đi vay như bà N. và bà L. đều được xem là nạn nhân nên họ được pháp luật bảo vệ mà không phải bị truy cứu trách nhiệm pháp lý gì.
LS Minh Trang phân tích, khoản thu rất lớn từ tội cho vay nặng lãi là khoản thu lợi bất chính, nếu xác định đây là thu lợi do cho vay nặng lãi thì sẽ bị sung công quỹ nhà nước và phạt gấp 5 lần số tiền thu lợi bất chính. Nếu xác định đây là hậu quả của tội cưỡng đoạt tài sản thì sẽ trả lại cho bị hại.
Từ đó, LS Minh Trang nhấn mạnh, hiện nay, thực trạng việc cho vay nặng lãi ngày càng gia tăng, các đối tượng cho vay nặng lãi manh động, côn đồ, hung hãn khi đi đòi nợ. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các vụ ẩu đả, cướp tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, do tâm lý sợ hãi nên các bị hại không ai dám đứng ra tố cáo các đối tượng này. Vì vậy, các cơ quan pháp luật cần phải có nhiều biện pháp hơn nữa nhằm kịp thời ngăn ngừa, phát hiện các loại tội phạm liên quan. Từ đó, nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm này.
Theo LS Trang, hành vi đập phác đồ đạc, ném, tạt sơn pha mắm tôm hay các chất bẩn khác vào nhà người khác là hành vi vi phạm pháp pháp luật.
Ngoài việc bị phạt mức phạt lên đến 1 triệu đồng thì nếu hành vi đó xét thấy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 245 Bộ luật Hình sự quy định về Tội gây rối trật tự công cộng và Điều 143 quy định về Tội hủy hoại tài sản với mức phạt cao nhất là 3 năm tù.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.