Người dân lo thiếu thông tin hơn lo bao nhiêu người dương tính
Qua nắm bắt thông tin và nguyện vọng của người dân Thủ đô, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP.Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho rằng, thành phố cần phải minh bạch thông tin.
“Cái mà người dân cần lúc này chính là sự minh bạch và càng minh bạch bao nhiêu người dân càng tin tưởng bấy nhiêu. Cái khiến người dân đang lo sợ hiện nay không phải bao nhiêu người bị nhiễm bệnh, mà chính là lo thiếu thông tin và thông tin thiếu chính xác. Nhiều khi ta chưa kịp thông tin thì mạng xã hội đã thông tin rồi. Ta phải hết sức thẳng thắn và minh bạch”, ông Trường nói.
Theo khảo sát của Mặt trận Tổ quốc TP.Hà Nội, khi ca dương tính đầu tiên được công bố, người dân có hoang mang, nhưng “sau sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo quốc gia và thành phố thì nhân dân đã yên tâm hơn ngày đầu tiên, đặc biệt, hiện tượng thu gom hàng hóa đã giảm nhiệt, cuộc sống trở lại tương đối bình thường”.
“Mạng xã hội có động thái tẩy chay những người tích trữ hàng hóa và có nhiều bình luận tích cực về công tác phòng chống dịch của thành phố. Chúng tôi mong muốn các thông tin cần phải nhanh chóng và minh bạch, không để thông tin của Ban Chỉ đạo đi sau mạng xã hội”, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP.Hà Nội đề nghị.
“Sẽ công khai, minh bạch thông tin, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ”
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định, với 4 ca dương tính đã được công bố; 1 ca đã dương tính lần 1, đang chờ kết quả lần 2, diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội là phức tạp, khó lường, có nguy cơ lây nhiễm cao.
Ông Chung cũng không loại trừ việc phát hiện các ca lây nhiễm mới, vì đối tượng tiếp xúc gần và tiếp xúc với người tiếp xúc của các ca dương tính đã lên tới vài trăm người.
Thêm vào đó, các chuyến bay quốc tế, đặc biệt từ các vùng có dịch, vẫn tiếp tục hạ cánh vào Việt Nam, dù đã có các biện pháp phòng dịch như khai báo y tế, đo thân nhiệt.
Vì lẽ đó, ông Chung “đề nghị mọi người dân nâng cao tinh thần chủ động để nắm chắc tình hình dịch bệnh” và hứa “thành phố sẽ công khai, minh bạch thông tin, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ”.
“Kinh nghiệm như ở Vũ Hán, Iran... là chúng ta phải công khai, minh bạch với người dân, để giúp họ yên tâm, nhưng đó mới chỉ là một chuyện. Điều quan trọng hơn là, nếu dịch diễn biến phức tạp hơn, kịch bản 2, 3, 4 (hơn 1.000 người dương tính với Covid-19), ngành y tế khó có thể khả năng đáp ứng hết được.
Làm sao xuể được? Huy động đến quân y như Trung Quốc cuối cùng cũng phải cách ly tại nhà. Không ai khác cả, phòng ngừa tốt nhất chính là người dân. Người dân giám sát những người cách ly trong cộng đồng. Người dân giám sát những người thuộc diện khai báo mà không khai báo. Người dân tự giác chăm sóc sức khỏe của mình, của gia đình; có trách nhiệm với mình, với gia đình và có trách nhiệm với xã hội. Cuối cùng vẫn là như vậy”, ông Chung nhấn mạnh.
So sánh với việc đi qua và chiến thắng 2 cuộc kháng chiến lớn bằng phương thức chiến tranh nhân dân, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho rằng, “phải có sự vào cuộc của người dân thì mới thắng được trận này”, mà “muốn người dân vào cuộc thì chính quyền phải minh bạch”.
Theo ông Chung, kinh nghiệm chống dịch của thế giới cho thấy, dịch có sơ đồ hình quả chuông gồm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2 là giai đoạn đỉnh.
“Nếu phó mặc và không làm tốt việc phát hiện để cách ly thì nó sẽ là quả chuông cao, còn làm tốt thì đỉnh dịch sẽ thấp. Quả chuông cao hay quả chuông thấp phụ thuộc vào chúng ta và phụ thuộc vào người dân”, ông Chung nói.
Bình luận (0)